Sau loạt bài phản ánh của Chuyên trang Khỏe 365 – Báo điện tử Người Đưa Tin, Hôn nhân và Pháp luật – Báo Đời sống & Phát luật, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định thu hồi giấy phép của PKĐY Nguyễn Thị Hường.
Theo đó, ngày 11/01/2019, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Quyết định 64/QĐ – SYT về việc Thu hồi giấy phép của Phòng chẩn trị Y học cổ truyền tại Mỹ Đức Hà Nội do bà Nguyễn Thị Dung là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và pháp lý (còn bà Nguyễn Thị Hường chỉ là người “giúp việc” của phòng khám).
Quyết định cũng nêu rõ, kể từ ngày ban hành Quyết định này, Phòng khám trên không được phép hoạt động khám chữa bệnh và có trách nhiệm nộp lại bản gốc giấy phép về Sở Y tế.
Quyết định thu hồi Giấy phép hành nghề của PKĐY Nguyễn Thị Hường |
Lừa đảo bằng công nghệ biến "Người giúp việc" thành "Thần y"
Sau quá trình điều tra xác minh và làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan, nhóm PV của Báo điện tử Người Đưa Tin, Báo Đời sống & Phát luật đã lật tẩy một loạt chiêu trò, thủ đoạn gian dối có liên quan cơ sở khám chữa bệnh nêu trên.
Cả một thời gian dài hoạt động với tên gọi là “Phòng khám Đông y Nguyễn Thị Hường” đã khiến cho tất cả những bệnh nhân đến với cơ sở này người nhầm tưởng đây là phòng khám của Lương y Nguyễn Thị Hường. Chỉ đến khi Sở Y tế quyết định thu hồi giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh đối với Phòng khám này thì người ta mới biết chính xác tên gọi của phòng khám là: “Phòng chẩn trị Y học cổ truyền Thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (tại nhà ông Phạm Văn Hùng) do bà Nguyễn Thị Dung là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật”.
Phải chăng đây là kẽ hở để người “giúp việc” có tên là Nguyễn Thị Hường “trẻ người non dạ” (theo giải thích của bà Nguyễn Thị Dung) đã tác oai, tác quái, coi thường tính mạng của người khác và các quy định của pháp luật, ngang nhiên khám chữa bệnh như bác sĩ thực thụ.
Mặc dù chính quyền địa phương biết việc bà Nguyễn Thị Hường chỉ là người “giúp việc” nhưng đã khám chữa bệnh như “Thần y”, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã phạt hành chính cơ sở này vào năm 2016 với một loạt lỗi vi phạm nhưng cơ sở khám chữa bệnh sai phạm này chẳng những vẫn tồn tại mà còn phát triển ngày một mạnh mẽ hơn?!
Những hành vi giả mạo, lừa đảo của PKĐY Nguyễn Thị Hường bị lật tẩy |
Bà Nguyễn Thị Hường ngang nhiên hoạt động, hành nghề trái phép không chỉ đã coi thường pháp luật mà còn coi thường tính mạng người khác khi trực tiếp đứng ra khám chữa trong một thời gian dài. Sự việc trên khiến dư luận băn khoăn về việc có hay không sự "bảo kê", chống lưng để bà Hường và những người có liên quan hoạt động trái pháp luật, thu lợi bất chính?
Nhóm PV đã lật tẩy công nghệ biến “người giúp việc” thành “Thần y dởm” qua những phóng sự giả danh VTV và một số đài truyền hình địa phương để lừa dối hàng ngàn bệnh nhân Gout từ Bắc vào Nam. Được biết, hành vi gian dối, lừa đảo khách hàng này của bà Nguyễn Thị Hường có sự tiếp tay của Công ty Time Today Việt Nam (có địa chỉ tại 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội).
Để che đậy hành vi vi phạm pháp luật của mình, bà Nguyễn Thị Hường và những người có liên quan đã lên kế hoạch mời nhóm PV đến tại Phòng khám để làm việc. Cụ thể ngày 24/11/2018, Phòng Y tế huyện Mỹ Đức đã mời Nhóm PV về làm việc với chủ cơ sở cùng hai chuyên viên của Phòng Y tế. Tại đây, bà Hường đã cố tình "diễn vai" vu khống nhóm PV tống tiền bà với số tiền lên tới 2 tỷ đồng. Đồng thời cho “Ê kíp” làm phóng sự dởm giả danh VTV trước đây đến quay phim chụp ảnh ngụy tạo bằng chứng giả rồi phát tán trên mạng xã hội nhằm làm nhục PV và đe dọa, cản trở họ phanh phui sự thực.
Sau khi những bài báo phanh phui sự giả mạo có liên quan đến Phòng khám này, Đài truyền hình Việt Nam đã vào cuộc điều tra xác minh, các đối tượng có liên quan đến hành vi giả mạo VTV trong việc tuyên truyền sai sự thật về lương y Nguyễn Thị Hường, các đối tượng đã cúi đầu thừa nhận hành vi sai trái của mình. Từ người dẫn chương trình, nhân viên phục vụ, bệnh nhân...đều là giả mạo được lên kế hoạch, kịch bản, chuẩn bị chi tiết từ trước.
Bà Nguyễn Thị Dung phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra tại PKĐY Nguyễn Thị Hường mà bà là người đại diện pháp luật |
Nhiều người bệnh sau khi biết rõ thủ đoạn lừa đảo tinh vi của Phòng khám này đã đến tận nơi để trả lại những toa thuốc chữa Gout với giá không hề rẻ, đòi lại tiền. Nhiều người bệnh đã uống thuốc chữa Gout của bà Nguyễn Thị Hường thì hoang mang lo lắng cho sự an toàn về sức khỏe của mình.
Giấy phép đã bị thu hồi nhưng trách nhiệm hình sự cần phải xử lý nghiêm
Các chuyên gia pháp lý bước đầu nhận định, hành vi giả mạo VTV để lừa đảo người bệnh để bán thuốc Gout trục lợi của bà Nguyễn Thị Hường và những người có liên quan đã rõ. Việc bà Hường và những người có liên quan cố tình vu khống rồi phát tán những video sai sự thật trên mạng xã hội để làm nhục PV và cản trở báo chí tác nghiệp đúng pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Chỉ tính riêng hành vi giả mạo VTV để truyên truyền sai sự thật về PKĐY Nguyễn Thị Hường, theo quy định tại điều 267 Bộ Luật hình sự, tội giả mạo tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng tài liệu đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Vì vậy việc Sở Y tế ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của “Phòng chẩn trị Y học cổ truyền Thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (tại nhà ông Phạm Văn Hùng) do bà Nguyễn Thị Dung là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật” sẽ không loại trừ những trách nhiệm hình sự mà bà Nguyễn Thị Hường và những người có liên quan đã gây ra trước đó.
Cũng như xem xét trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Dung có dấu hiệu cho thuê bằng, ủy quyền cho người khác thay mình điều hành công việc tại Phòng khác, buông lỏng quản lý để cho người "giúp việc" lộng hành, làm những việc pháp luật cấm gây ra những hậu quả nghiên trọng cho cộng đồng. Trách nhiệm của Phòng Y tế quận huyện Mỹ Đức và chính quyền địa phương đã không kịp thời ngăn chặn những sai phạm có liên quan...
Nhân quyết định này, chúng tôi xin lưu ý, kể từ ngày 11/01/2019, bà Nguyễn Thị Hường khám chữa bệnh, tự ý bán thuốc dưới mọi hình thức là vi phạm pháp luật. Khi phát hiện những hành vi trên công dân có quyền và nghĩa vụ phải thông báo cho cơ quan chức năng nơi gần nhất biết để ngăn chặn và xử lý. Đồng thời những cá nhân đã từng là người bị hại qua việc khám chữa bệnh và mua thuốc nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm hại đến sức khỏe, tài sản có thể khởi kiện hoặc tố cáo đến cơ quan chức năng để đòi lại công bằng cho mình.
Liên quan đến vụ việc trên, Công an huyện Mỹ Đức, Công an quận Hà Đông, Công an Thành phố Hà Nội, Cục An ninh thông tin truyền thông - Bộ Công an, đã tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc và tiến hành làm rõ các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Qua vụ việc trên, Đài truyền hình Việt Nam hoan nghênh báo Đời sống và Pháp luật (honnhanphapluat.vn), báo điện tử Người Đưa Tin (khoe365.net.vn) đã kịp thời thông báo hành vi giả danh VTV để lừa đảo dư luận.
Đặc biệt, đông đảo dư luận bạn đọc đã gọi điện, gửi thư về Tòa soạn bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao nhóm PV và cơ quan báo chí đã dũng cảm đấu tranh phanh phui hành vi giả mạo, lừa đảo khách hàng, người bệnh của PKĐY Nguyễn Thị Hường nhằm mang lại sự thật cho bạn đọc, tránh cho bao người lâm vào cảnh "tiền mất tật mang".
Theo Khỏe 365