Mới đây, cục Điện ảnh (bộ VH, TT&DL) đã tổ chức lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng luật Điện ảnh, trong đó có đề cập đến chuyện sử dụng lao động dưới 16 tuổi đóng phim. Vậy việc sử dụng diễn viên dưới 16 tuổi như thế nào cho hợp lý, và các đạo diễn, nhà chuyên môn nói gì về vấn đề này?
Các đạo diễn vừa muốn chân thật lại không muốn phạm luật?
Qua 12 năm thi hành, luật Điện ảnh đã tạo hành lang pháp lý cho các đối tượng tham gia hoạt động điện ảnh. Doanh thu ngành điện ảnh Việt Nam những năm gần đây tăng trung bình từ 25 - 30%/năm, riêng năm 2018, đạt gần 150 triệu USD. Tuy nhiên, trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học công nghệ và kỹ thuật số, luật Điện ảnh bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với thực tế.
NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch hội Điện ảnh Việt Nam đã nêu khá nhiều vấn đề mang tính góp ý để xây dựng luật Điện ảnh (sửa đổi) trong bản tham luận của mình. Đáng chú ý là ông đề nghị cân nhắc kỹ tình huống liên quan đến nội dung “Cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các bộ phim hoặc các cảnh quay nhạy cảm về tình dục, bạo lực, sử dụng các chất kích thích”.
Theo NSND Đặng Xuân Hải, sáng tác điện ảnh đòi hỏi tính chân thực cao độ, làm sao để câu chuyện trên màn ảnh được khán giả cảm nhận như đời thực. Nếu cấm trẻ em (diễn viên) dưới 16 tuổi trực tiếp tham gia (đóng, diễn) trong các cảnh quay dù có phần nào “nhạy cảm” về tình dục, bạo lực... khiến đoàn phim buộc phải thay bằng các diễn viên trưởng thành (để không trái với luật Lao động) thì tính chân thực của cảnh quay và rộng hơn là tổng thể tác phẩm điện ảnh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng, nếu cho phép thì có thể trái với luật Trẻ em.
Vì vậy, ông Hải kiến nghị, việc sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các bộ phim hoặc cảnh quay nhạy cảm về tình dục, bạo lực... cần tuân thủ tinh thần của luật Trẻ em hiện hành.
Chia sẻ của ông Đặng Xuân Hải đã khiến khán giả nhớ tới bộ phim Vợ ba gây ồn ào dư luận vào tháng 5/2018 vừa qua. Bộ phim kể về cuộc đời của Mây (Nguyễn Phương Trà My) - một cô bé bị gả làm vợ út cho một gia đình giàu có.
Giữa cuộc chiến sinh con trai để giành vị trí được coi trọng trong gia đình, Mây bất ngờ nảy sinh tình cảm đồng giới với vợ hai Xuân (Maya) nhưng bị Xuân từ chối và chỉ coi như con gái.
Một cảnh trong phim Vợ ba. |
Trong phim, Mây về làm vợ ba trong gia đình chủ giàu có ở vùng nông thôn phía Bắc cuối thế kỷ 19. Dù các cảnh phim được quay rất nghệ thuật nhưng Trà My đã phải đảm nhiệm hầu hết cảnh phim nhạy cảm liên quan đến người phụ nữ như làm tình, mang bầu, sinh con, cho con bú....
Bên cạnh đó là hàng loạt cảnh quay gây sốc, trong đó có cảnh húp trứng trên bụng thiếu nữ. Những hình ảnh này đã gây nên cuộc tranh luận sôi nổi của khán giả. Bên cạnh ý kiến cho rằng bộ phim phản ánh chân thật thực trạng xã hội phong kiến khi các cô bé 13-15 tuổi đã bị gả chồng, sinh con.
Không ít ý kiến cho rằng việc để một bé gái 13 tuổi đóng cảnh nóng, trần trụi là phản cảm, phi nghệ thuật. Phim đã dừng chiếu vào ngày 20/5. Theo đó, Thanh tra bộ VH,TT&DL đã có buổi làm việc với đại diện nhà sản xuất (công ty TNHH Ba Sắc Cầu Vồng) và công ty này đã ký biên bản thừa nhận những vi phạm trong quá trình phát hành, phổ biến bộ phim Vợ ba.
Thanh tra bộ VH,TT&DL đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đối với công ty TNHH Ba Sắc Cầu Vồng, mức xử phạt là 50 triệu đồng.
Đạo diễn Bình Trọng chia sẻ với PV báo ĐS&PL: “Phim dành cho thiếu nhi, hoặc có cảnh trẻ em xuất hiện, chiếm số lượng khá lớn trên thị trường phim ảnh hiện nay. Từ bộ phim Vợ ba, các đạo diễn cũng có những động thái khác hơn. Chúng tôi băn khoăn về việc sử dụng diễn viên nhí vào phim thế nào cho hợp lý.
Diễn viên trẻ em thì đóng những cảnh phù hợp với tuổi. Nhưng với một số bộ phim đặc thù giống kiểu Vợ ba, thì sẽ như thế nào? Nếu dùng diễn viên đóng thế những cảnh tình cảm thì sẽ không có sự chân thực. Nhưng nếu để các em đóng phim thì lại không được.
Với cả, một số diễn viên nhí dưới 16 tuổi, nhưng có thân hình lớn, các em trưởng thành trước tuổi, vậy nếu một số đạo diễn cứ “làm liều” mà làm ngơ trước Luật thì sẽ xử lý thế nào... Đó là những thắc mắc mà nhiều đạo diễn muốn giải đáp”.
Dùng diễn viên nhỏ tuổi đóng cảnh nhạy cảm, ảnh hưởng đến tinh thần các em
Chia sẻ về việc sử dụng trẻ em dưới 16 tuổi vào việc đóng phim, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng cục Trẻ em cho hay: “Pháp luật hiện hành không cấm sử dụng lao động chưa thành niên vào một số lĩnh vực, như văn hóa, nghệ thuật, thể thao... Tuy nhiên, việc sử dụng nhóm lao động chưa thành niên phải đáp ứng một số điều kiện nhất định và phải ký hợp đồng lao động.
Đặc biệt, không được dùng trẻ em làm những công việc ảnh hưởng tới phát triển sau này của trẻ như ảnh hưởng về đạo đức, tinh thần. Cho nên, nếu các nhà sản xuất phim sử dụng trẻ em ở độ tuổi dưới 13, dưới 16 tuổi vào diễn những cảnh “nóng” thì bị xem xét hành vi vi phạm pháp luật về lao động. Bởi thế, các đạo diễn cần cân nhắc về việc này”.
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, đạo diễn Phạm Đức Dũng cho hay: “Bản thân tôi khi làm phim cũng phải cân nhắc việc có nên hay không? Các em còn nhỏ, sẽ phải có người giám hộ làm việc với đoàn phim, như phải làm việc cụ thể với nhau là cảnh gì, đóng thế nào, có nhạy cảm không?
Việc sử dụng một diễn viên trẻ em, ở độ tuổi tâm sinh lý vẫn còn đang phát triển, chưa hoàn thiện ít nhiều gây tác động trực tiếp đến bản thân diễn viên nhí cũng như đến cộng đồng. Nó có thể làm mất đi sự hồn nhiên, trong sáng của các em.
Nếu trong phim có cảnh nóng và cảnh nhạy cảm, đoàn phim cũng thường phải chọn phương án an toàn là cho diễn viên 18-19 tuổi đóng. Bởi lẽ, không thiếu diễn viên đủ tuổi nhưng lại có ngoại hình trẻ như 12-13. Nên suy nghĩ kỹ khi lựa chọn diễn viên dưới 16 tuổi, chứ đừng để việc mất bò mới lo làm chuồng”.
Đạo diễn Phạm Đức Dũng tâm sự thêm: “Phim Việt Nam từ trước đến nay sử dụng trẻ em dưới 16 tuổi chủ yếu vào những cảnh phim phù hợp với lứa tuổi của các em. Những phim như Vợ ba gây ồn ào vào tháng trước là hy hữu. Dù không xảy ra nhiều nhưng khi việc đến thì những người làm phim bị lúng túng. Vì thế các đạo diễn đều mong có những quy định cụ thể, cần ghi rõ trong luật Điện ảnh. Để phim Việt Nam vừa có những kịch bản hay, lại vừa đúng luật”.
Phạt tiền lên đến 15 triệu đồng nếu sử dụng trẻ em quá sức Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, luật sư Hà Phúc (Văn phòng Luật sư Hà Thanh Phúc) cho hay, ở nước ta hiện nay việc chủ lao động sử dụng lao động là trẻ em dưới 15 tuổi không còn quá xa lạ mà dường như ngày càng phổ biến. Việc sử dụng trẻ em đóng phim mà không tuân thủ pháp luật thì cũng sẽ bị xem xét để xử lý. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, điều kiện được phép sử dụng lao động dưới 15 tuổi là: Chỉ được tuyển dụng vào làm các công việc nhẹ theo danh mục của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định; Phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người lao động; Khi tuyển dụng phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe phù hợp công việc; tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần; Phải thông báo bằng văn bản về sở Lao động- Thương binh và Xã hội nơi cơ sở đặt trụ sở chính trong vòng 30 ngày từ ngày bắt đầu tuyển dụng vào làm việc. Theo quy định tại Điều 19, Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a) Sử dụng người dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật; b) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại khoản 2, Điều 163, của Bộ luật Lao động. |
Lạc Thành
Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 137