Sau khi cấp CCCD sẽ phải thu hồi CMND. Khi đó, CMND sẽ không còn giá trị sử dụng dù còn nguyên vẹn và còn hạn sử dụng. Đồng nghĩa với việc pháp luật hiện hành chỉ ghi nhận duy nhất một loại giấy tờ tùy thân với mỗi người ở mỗi thời điểm, hoặc là CMND hoặc là CCCD.
Bởi, căn cứ theo Khoản 3, Điều 11, Thông tư 59/2021/TT-BCA, cán bộ Công an sẽ thu lại Chứng minh nhân dân (CMND), Thẻ căn cước công dân (CCCD) đang sử dụng khi công dân làm thủ tục chuyển từ CMND sang thẻ CCCD hoặc đổi thẻ CCCD.
Khoản 8, Điều 5, Thông tư 60/2021/TT-BCA quy định, thu hồi CMND, CCCD cũ đối với trường hợp công dân làm thủ tục đổi từ CMND sang thẻ CCCD, đổi thẻ CCCD.
Cá nhân nếu đã được cấp CCCD nhưng vẫn cố tình sử dụng CMND cũ khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính, người dùng có thể bị phạt hành chính vì lỗi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp công dân sử dụng CMND hết hiệu lực khi giao dịch có thể bị phạt lỗi “Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD” bằng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
Mặt khác, khi thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh, người có hộ chiếu ghi số CMND cũ rất có thể bị cán bộ hải quan các nước làm khó do thông tin trên CCCD và hộ chiếu không khớp nhau. Hoặc khi thực hiện các giao dịch tại ngân hàng, người dân bắt buộc xuất trình giấy tờ tùy thân còn hạn.
Đồng thời, để tránh những rắc rối phát sinh không đáng có người dân nên sử dụng CCCD gắn chip cho các giao dịch để tránh trường hợp sau này phải thực hiện các thủ tục thay đổi thông tin thành số CCCD và cũng tránh những rắc rối về sau.