Nằm giao nhau ở một ngã ba, thế nhưng nếu như ở Ấu Triệu là sự thư thái chầm chậm, mang tính chiêm nghiệm đặc trưng phố cổ thì Phủ Doãn lại bận rộn, quýnh quáng chạy đua với cuộc sống tất bật.
Là hai con phố nằm ngay cạnh nhau, chỉ cách nhau có vài bước chân nhưng thực sự ở hai nơi đó tồn tại hai cuộc sống với màu sắc đối lập.
Ấu Triệu là con phố ngắn kéo dài từ phố Lý Quốc Sư đến phố Phủ Doãn, chạy bên hông Nhà thờ Lớn. Bên cạnh Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Đinh Liệt thì đây cũng là con phố cổ được nhiều người nước ngoài yêu thích. Ở con phố ngắn này, khách du lịch tha hồ được thả mình vào sự tĩnh lặng của trung tâm Hà Nội, thi thoảng được nghe tiếng chuông đặc trưng của nhà Thờ lớn.
Ấu Triệu có đầy đủ quán ăn: phở, nem rán, phô mai que, bánh mì… nhưng ai đi qua cũng cảm thấy con phố đó lúc nào cũng nhẹ nhàng, người sống ở đó, người đi trên con phố này luôn thong dong.
Chỉ cách vài bước chân, Phủ Doãn lại mang một hơi thở hoàn toàn khác, đó là một con phố rộng, nhưng chật chội với bệnh viện, nhà trọ, hiệu thuốc, quán ăn, hàng rong… tất cả để phục vụ cho trận chiến sinh tử của những con người nơi đó.
Phức tạp, náo loạn, xô bồ, ồn ã là những gì người ta cảm nhận về con phố này. Hàng loạt quán ăn, gánh hàng rong lấn chiếm lòng lề đường làm nơi mua bán đối diện Bệnh viện. Trên con phố này có bệnh viện Việt Đức, Viện Phụ Sản Trung ương, gần đó có viện K…
Con phố liên tục tắc nghẽn giao thông không chỉ vì sự xuất hiện của phần lớn xe ôm, taxi, những quán ăn lúc nào cũng chật kín kẻ bán người mua mà tắc nghẽn vì xe cứu thương liên tục đi đi lại lại.
Cùng xem những bức ảnh để thấy rõ sự khác biệt này giữa hai con phố - ngay giữa Hà Nội
6h sáng:
|
Bác Dương Thị Hằng sinh sống trên phố Ấu Triệu đã hơn 30 năm chia sẻ, con phố này vô cùng đặc biệt bởi "nó trong lành, yên bình, không ồn ã chút nào". Sáng nào cũng vậy, cứ 5 giờ bác lại dậy sớm, buổi sáng tinh mơ được nhìn ngắm sự thanh bình của cuộc sống trước sân nhà. |
|
Sáng sớm, chị Lưu Thị Phượng lại tất tả đi mua bỉm, mua đồ vào viện chăm con. Và cứ tầm giờ này, Phủ Doãn bắt đầu đông lên từng phút. |
9h sáng:
|
Chẳng lúc nào Phủ Doãn yên lặng. Tờ mờ sáng, nhiều hàng quán đã được bầy bán. Ai ai cũng hối hả, hòa vào dòng người tấp nập, người thì mưu sinh, người thì đi chăm người ốm.
|
|
Uống cafe sáng là một trong những sở thích và thói quen của người dân trên phố Ấu Triệu. |
|
Hai cô gái trẻ thảnh thơi đi dạo trên phố Ấu Triệu. |
|
Trong khi đó, tại Phủ Doãn gánh hàng rong, quán cơm bình dân, hiệu thuốc, taxi, xe ôm... tất bật vào công việc thường nhật. Vỉa hè được tận dụng làm nơi trông xe, buôn bán, người đi lại đông như mắc cửi. |
|
Bác Bích - người dân sinh sống trên 40 năm ở con phố này ngày ngày chứng kiến Phủ Doãn đông đúc, ồn ào.
|
12h trưa:
|
Phố Ấu Triệu vẫn yên lặng với những tán cây xanh, người dân thả hồn mình vào những cốc cafe trưa và đọc báo. Từ sáng tới chiều tối, phố Ấu Triệu không thay đổi nhiều, lúc nào cũng có thể bắt gặp hình ảnh người ta đang ngồi thư thái trước cửa nhà hay ngồi trong quán café tận hưởng ngày mới. Ở con phố nhỏ này có rất nhiều nhà hàng hoặc quán cà phê mang phong cách châu Âu. |
|
Anh Alex Dumar – chàng trai đến từ Thụy Điển cho hay, anh ấn tượng con phố Ấu Triệu, bởi ở đây, có cảm giác như thời gian đang ngừng lại vậy. Anh có thể ngồi nhâm nhi café hoặc có thể dạo loanh quanh ra Nhà Thờ hoặc có thể nấn ná ăn đủ thứ món với khẩu vị khá chuẩn của Hà Nội. Anh bảo: “Dù bạn có thể tìm được nhiều quán ăn ngon hơn nhưng đồ lúc nào cũng nóng hôi hổi, trật tự, thong dong từ mờ sáng đến tối như phố này thì không dễ, nhất là vị trí trung tâm cạnh Nhà Thờ Lớn có tiếng chuông lanh lảnh thơ mộng". |
|
Từ người già tới trẻ con, ai cũng có thời gian thảnh thơi tán gẫu, dành cho gia đình.
|
|
Tại Phủ Doãn - mật độ người và xe vẫn không hề giảm bớt. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Trà tranh thủ ăn qua quýt bữa trưa, chỉ một lát nữa chị phải mua thức ăn trưa lên cho người nhà đang nằm khắc khoải trong bệnh viện. |
|
Hàng hóa bày bán tràn lan ra đường, còn người mua thì căng thẳng, thất thần. |
3h chiều:
|
Được nghỉ học chiều, các bạn trẻ rủ nhau, hẹn hò ngồi tán gẫu, hưởng không khí đầu đông hanh hao, lãng mạn ở Ấu Triệu.
|
|
Trong khi đó, lúc này mới là lúc bác sĩ có thời gian rảnh một chút để đi ăn trưa. Người nhà bệnh nhân tìm quán nước ngồi nghỉ ngơi, nhưng trên mặt ai cũng đầy vẻ lo lắng. Những người mẹ lo cho con, người chồng lo cho vợ chuẩn bị bước vào cuộc vượt cạn, người lo lắng cho người thân mình trong ca mổ nguy hiểm sắp tới. Những gánh hàng rong thì lo... bán hàng. |
5h chiều:
|
Dù đây là thời gian lưu lượng người qua lại tấp nập hơn trên con phố Ấu Triệu nhưng cũng chẳng ồn ào. |
|
Phố Phủ Doãn thì vào giờ đông đúc, hối hả. |
|
Quán miến của chị Nguyệt trên Phủ Doãn liên tay phục vụ khách hàng, đa phần là người nhà bệnh nhân, hoặc bệnh nhân. |
9h tối:
|
Giờ là lúc để những quán cafe lãng mạn ở Ấu Triệu lên đèn. |
|
Du khách có thể tận hưởng cuộc sống yên ả của Hà Nội vào đêm. |
|
Là nơi bà dắt cháu đi dạo...
|
|
Thì chỉ cách đó vài bước chân, Phủ Doãn vẫn nhộn nhịp, ồn ào. Hàng quán vẫn mở, họ đang trong cuộc mưu sinh của bản thân, "cuộc chiến" giành lại sức khỏe và những tất bật rất đỗi đời thường. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-doi-lap-thu-vi-o-hai-con-pho-ha-noi-a71309.html