Chiều ngày 25/7, Phó Cục trưởng cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai trả lời báo chí về vấn đề vỡ đập thủy điện ở Lào ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào, ủy ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã giao cho các cơ quan đầu ngành của ta phối hợp với trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, các cơ quan tính toán bước đầu là sự cố vỡ đập ở Lào ít tác động đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mực nước gia tăng tối đa khoảng 5 – 10cm so với trước khi vỡ đập. Có thể thấy sự tác động này là không lớn”.
PV: Cụ thể khoảng bao nhiêu mét khối nước từ đập sẽ chảy xuống dưới hạ du, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hải: Khối nước thì chúng ta chưa có cái đánh giá cụ thể và vấn đề tổng trữ lượng nước là bao nhiêu thì phải đợi báo cáo đánh giá của phía Lào. Vấn đề mực nước gia tăng rất ít.
PV: Xin ông cho biết, theo số liệu chúng ta đang có thì sự cố vỡ đập ở Lào, lượng nước đổ về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng thời điểm nào và địa phương nào sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp?
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: VOV |
Ông Nguyễn Văn Hải: Sau khoảng 4-5 ngày sẽ tác động đến khu vực thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là khu vực Đồng Tháp, An Giang. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không lớn, gia tăng từ 5 đến 10cm.
PV: Trong cuộc họp, Bộ trưởng bộ NN&PTNT có đề nghị bám sát diễn biến thủy văn và cảnh báo cho địa phương thì ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã có những thông tin như thế nào cho địa phương?
Ông Nguyễn Văn Hải: Ngoài vấn đề vỡ đập ở Lào thì phía mưa ở Thái Lan và phía thượng nguồn trong thời gian qua là rất lớn. Vì vậy chúng ta cần quan tâm đến dự báo về lượng mưa và dòng chảy trong thời gian tới. Nếu xảy ra những biến cố cần chủ động có những giải pháp để ứng phó với lũ sớm với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, hằng năm đặc biệt trong Nghị quyết 76, các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều rà soát các phương án để chủ động ứng phó với lũ lớn, tùy theo lượng nước để có những chỉ đạo phù hợp.
PV: Hồ thủy lợi đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và nước ta đang trong tâm điểm mùa mưa lũ. Vậy bài học được rút ra ở đây là gì sau khi sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào xảy ra?
Ông Nguyễn Văn Hải: Các sự cố vừa rồi là không tránh khỏi, Việt Nam có trên 9.300km đê, hơn 6.600 hồ chứa. Hằng năm có những diễn biến bất thường của thiên tai, mưa lũ cực đoan như thế này thì việc ảnh hưởng đến an toàn đê điều luôn luôn xảy ra. Do vậy, bài học lớn nhất ở đây là hằng năm, ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đều chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương liên quan, tổng rà soát đánh giá độ đảm bảo an toàn suốt mùa mưa lũ. Nếu hồ chứa không đảm bảo an toàn thì sẽ không cho tích nước và có các biện pháp đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.
Ngoài ra, tổ chức tăng cường quan trắc, tính toán lượng mưa, dòng chảy đến để chủ động có biện pháp xử lý ứng phó. Tăng cường lực lượng trực ban và quản lý vận hành để đảm bảo tính chuyên nghiệp, cung cấp đầy đủ thông tin khi lũ xảy ra. Đặc biệt, vấn đề thông tin xuống vùng hạ du để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Sau những đợt mưa lũ bất thường, ban Chỉ đạo cũng tích cực kiểm tra để hướng dẫn bộ, ngành tại địa phương nâng cao điều chỉnh các tình huống bất lợi nhất có thể xảy ra.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Thông tin về sự cố vỡ đập thuỷ điện ở Lào, ông Lê Hồng Quang, đại diện ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, chiều 24/7, Thủ tướng đã họp về vấn đề vỡ đập thuỷ điện Lào đồng thời sắp xếp huy động lực lượng để hỗ trợ các bạn Lào trong vấn đề cứu nạn, cứu hộ. "Ngay sáng nay, chúng tôi đã phối hợp với quân khu 5 để sang Lào tổ chức cứu hộ cứu nạn, đưa cả trang thiết bị sang hỗ trợ, sau đó sẽ bàn giao các thiết bị máy móc cứu nạn này cho phía Lào tiếp nhận", ông Quang cho biết. |
Hải Yến-Nguyễn Huệ/Người Đưa Tin