Báo VTC News dẫn lời ThS.BSCKII, Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cho biết sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong.
Giia đoạn nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết
Thông thường, diễn biến của sốt xuất huyết thường xảy ra trong 10 ngày đầu.
Từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3, tình trạng bệnh ít nghiêm trọng hơn. Lúc này, nếu bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ hướng dẫn theo dõi tại nhà bằng việc đo nhiệt độ, bù nước điện giải và chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân, hẹn tái khám.
Trường hợp bệnh nhân sốt li bì, đau đầu, nôn, không ăn uống được, ý thức giảm là các dấu hiệu cảnh báo. Dù đang ở ngày thứ 2, bệnh nhân cũng cần đến cơ sở y tế để thăm khám, từ đó có sự can thiệp kịp thời của nhân viên y tế.
Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 thường là thời gian bệnh diễn biến nặng, tiểu cầu giảm, mất nước, sốc. Những ngày này, bác sĩ sẽ theo dõi sát bệnh nhân.
Thời điểm tốt nhất nên đi xét nghiệm máu sốt xuất huyết
Cũng theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết thời kỳ này, virus Dengue làm hệ miễn dịch suy yếu dẫn đến biến chứng như xuất huyết dưới da, đau bụng, nôn ói, chảy máu cam, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì.
Lúc này người bệnh nên xét nghiệm công thức máu để theo dõi tình trạng bệnh.
“Người khoẻ mạnh mắc sốt xuất huyết, không có bệnh lý kèm theo chỉ cần làm xét nghiệm công thức máu. Đây là xét nghiệm không quá tốn kém, xét nghiệm này thực hiện ở các đơn vị y tế công lập không quá 100 nghìn đồng/lần.
Trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác như gan, thận sẽ được chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác”, bác sĩ Phúc nói.
Khuyến cáo từ Bộ Y tế
Bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền, hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Theo các chuyên gia, biện pháp hiệu quả để phòng bệnh hiện nay là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Người dân cũng cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đặc biệt là nơi dễ ẩm ướt, phun thuốc chống muỗi đúng cách, mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ Mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời). Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị). Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu), mức độ này bao gồm sốc sốt xuất huyết Dengue, sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, xuất huyết nặng, suy tạng nặng Bộ Y tế lưu ý, trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy khi thăm khám cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp. |
Nguyễn Linh (T/h)