Trong thời gian điều trị bệnh, người mắc sốt xuất huyết sẽ lo lắng rằng, tắm gội khiến bệnh lâu khỏi hơn, đặc biệt đối với những người có sức đề kháng kém như trẻ nhỏ. Chia sẻ với Giáo dục thời đại, BS Vũ Thanh Tuấn - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết:
"Thực tế, bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn có thể gội đầu hay tắm rửa bình thường. Tắm gội là một nhu cầu sinh lý bình thường hằng ngày của mỗi người để loại bỏ bụi bẩn, vi trùng… nhằm phòng ngừa nguy cơ bội nhiễm do sốt xuất huyết. Ngoài ra, việc gội đầu cũng giúp người bệnh thư giãn, tinh thần thoải mái, giảm bớt tình trạng đau đầu”.
Tuy nhiên bác sĩ cũng lưu ý người bệnh cần thực hiện đúng cách để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người bệnh sốt xuất huyết cần lưu ý không gội hay tắm quá lâu. Nên gội đầu trong phòng kín, không có gió lùa. Tắm, gội đầu bằng nước đủ ấm, tuyệt đối không được sử dụng nước lạnh. Sau khi gội đầu, cần phải sấy tóc thật khô.
Đối với bệnh nhân bị hạ tiểu cầu, khi gội đầu không được dùng tay cào. Kể cả tắm, những bệnh nhân này cũng không được kỳ cọ. Bởi, những hành động đó có thể gây tổn thương, chảy máu. Những trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng, người bệnh cũng nên hạn chế gội đầu nếu không thật sự cần thiết. Từ đó, tránh những tác động khiến sốt xuất huyết biến chứng khó lường.
Như vậy, tùy từng trường hợp bệnh nặng hay nhẹ và phụ thuộc vào giai đoạn bệnh để quyết định bệnh nhân có nên tắm hay không. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, bệnh nhân phải tắm, gội hoặc lau người tắm bằng nước ấm, tuyệt đối không dùng nước lạnh. Việc dùng nước lạnh sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, miền Bắc lại có dấu hiệu gia tăng.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ đầu năm nay đến giữa tháng 6, Hà Nội ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Theo An ninh thủ đô, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai hiện đang điều trị cho 8 bệnh nhân bị sốt xuất huyết biến chứng nặng.
Đặc biệt, có hai trường hợp bệnh nhân N.L và N.H. (trú tại quận Ba Đình, TP. Hà Nội) là hai chị em ruột bị sốt xuất huyết biến chứng đi tiểu ra máu, tiểu cầu giảm sâu, người chị còn bị chảy máu chân răng... gia đình bệnh nhân cho biết, cả ba mẹ con trong gia đình bệnh nhân này bị sốt xuất huyết, người mẹ nhẹ hơn nên theo dõi tại nhà.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy, trong tuần vừa qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 170 ca mắc SXH tại 23 quận, huyện, tăng vọt tới 132 trường hợp so với tuần trước đó, không có ca tử vong.
Thành phố cũng ghi nhận 7 ổ dịch mới trong tuần tại: Hoàng Mai (2), Nam Từ Liêm (2), Phú Xuyên (1), Quốc Oai (1), Thạch Thất (1).
Dự báo, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ... Trong thời gian tới dự báo số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Để phòng dịch, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội kêu gọi người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, rác thải, loại trừ các dụng cụ chứa nước có bọ gậy, thả cá vào các bể chứa nước, diệt bọ gậy hàng tuần trong nhà và khu vực xung quanh nhà…
Như Quỳnh(T/h)