Uống rượu khai Xuân, rượu góp vui, rượu chia buồn... từ lâu đã trở thành một nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, tập quán tốt đẹp này đang dần dần bị lạm dụng, biến tướng dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho cộng đồng. Việt Nam là nước uống rượu bia nhiều nhất Đông Nam Á, thứ ba châu Á và hàng đầu thế giới.
Nét đẹp văn hóa truyền thống
Thế giới quanh ta có cái thuộc về lĩnh vực vật chất, có cái thuộc về lĩnh vực tinh thần, nhưng rượu lại là thứ vừa thuộc về vật chất vừa thuộc về tinh thần. Một loại nước "lâng lâng" với tên gọi ban đầu là "linh hồn" dùng để dung hòa cảm xúc, khi vui người ta tìm đến nó, khi buồn người ta cũng vậy, thậm chí không vui không buồn người ta vẫn không thể thiếu được nó.
Có lẽ rượu là một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người sau lửa. Khi phát minh ra lửa thì con người bắt đầu ăn chín, uống sôi. Đến lúc động vật hiếm dần, con người chuyển sang ăn thực vật. Một trong những loài thực vật đầu tiên con người cổ xưa tìm ăn là quả nho, loại quả hoang dại mọc ở vùng châu thổ Sông Nin. Rồi quả nho cũng trở nên thưa vắng dần. Với bản tính tư hữu, con người đem nho về cất giấu tại nơi ở của mình. Nho được ủ lại sau mấy ngày đem ăn họ cảm thấy khỏe hơn, thông minh hơn, yêu đời hơn... nên họ đặt cho loại thực phẩm lâng lâng đó với một biệt danh là Spirit, nghĩa là linh hồn.
Theo chiết tự, chữ Hán hình tượng thì chữ Tửu (rượu) bao gồm chữ Thủy (nước) ghép với chữ Dậu (lên men). Hai chữ được ghép với nhau có nghĩa là thứ lên men được cất bằng nước mà thành rượu. Từ xưa, nhiều người thường cho rằng rượu là một chất gây hưng phấn, vì sau khi uống một vài chung rượu hay vài ly bia, ta thường cảm thấy dạn dĩ, tự tin, ăn nói hoạt bát hơn ngày thường.
Ảnh minh họa |
Uống rượu là nét văn hóa truyền thống thể hiện trong cách rót rượu, cách nâng ly đối ẩm, chè tam rượu tứ... Ly rượu được nhấm nháp bên những câu chuyện, chia sẻ tâm tình, gắn kết tình bằng hữu. Trong những ngày lễ hội là vẻ đẹp trong cách chúc rượu nhau... Người ta nói miếng trầu là đầu câu chuyện, còn đối với những "đệ tử Lưu Linh" thì chén rượu là đầu cuộc vui. Đặc biệt, rượu là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, ma chay hay dịp lễ Tết.
Người xưa cho rằng "Nam vô tửu như kỳ vô phong". Đàn ông mà không biết uống rượu thì bị so sánh như cờ không có gió không có khí phách, sự tung hoành nghĩa khí. Tục uống rượu khi ăn được gắn với quan niệm tương sinh hài hòa, thuận theo nguyên lý "âm dương phối triển" của phương Đông. Cho nên có thể nói rằng uống rượu là một phạm trù văn hóa không thể thiếu của người Việt xưa và nay.
Văn hóa uống rượu của người Việt có sự khác biệt trong từng tầng lớp. Người nông dân có thói quen uống rượu trong bữa ăn hay các cuộc vui gặp gỡ bạn bè. Còn giới doanh nhân thì mời rượu nhau trong những buổi giao tiếp gặp gỡ đối tác theo tục lệ "uống rượu là đầu câu chuyện" làm tiền đề cho buổi xã giao, thấu hiểu lẫn nhau. Văn hóa uống rượu của giới trí thức có điểm rất thú vị họ uống rượu để lấy cảm hứng sáng tác, bàn luận văn chương, thơ ca, khoa học. Nét đẹp văn hóa uống rượu của người Việt Nam vốn được ngưỡng mộ về sự hào hứng, thỏa mái không câu nệ, chấp chước và rất chân thành.
Ngoài ra, việc sử dụng rượu một cách khoa học còn có tác dụng tăng cường sức khỏe, phòng ngừa và chữa được một số bệnh. Trong y học, đặc biệt là y học dân gian hay y học cổ truyền, rượu đôi khi được xem là một dược phẩm: Rượu thuốc, rượu bổ, cồn dược dụng, cồn thuốc, thuốc rượu, (elixir hay extrait alcoolique). Theo Đông y thì rượu có tác dụng dẫn thuốc. Còn tây y thì xem rượu hay cồn là một chất sát trùng hoặc dùng như một dung môi giúp hòa tan các dược chất khi ngâm chung với rượu. Nhiều dược chất không tan trong nước nên không thể dùng nước để ly trích, nhưng nếu ngâm với rượu thì có thể hòa tan dễ dàng hơn...
Những hệ lụy đáng tiếc do lạm dụng rượu
Nhưng đáng tiếc có bộ phận người dùng đã và đang hiểu sai những giá trị văn hóa uống rượu dẫn tới những "hệ lụy" đáng tiếc. Uống rượu vô độ không có sự điều tiết để làm chủ cảm xúc trong mọi trường hợp. Uống rượu theo lối "mượn rượu", "ép rượu", "khích rượu", "nghiện rượu", "nát rượu"... để sống buông thả đánh mất chính mình gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho cá nhân họ và cho cả gia đình, xã hội. Thậm chí, rượu còn là nguồn cơ của nạn bạo hành trong gia đình, nạn bạo lực học đường của thanh thiếu niên và là nguyên nhân dẫn đến một số tệ nạn xã hội khác.
Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững... đến ngộ độc nặng, bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu... Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.
Trên thế giới, mỗi năm rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá gây ra. Uống rượu trong thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loạn tiêu hóa do tổn thương gan và ruột, đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan. Đối với hệ tim mạch uống rượu gây nhồi máu cơ tim, đột quy ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra, uống rượu còn gây mất trí nhớ, run chân tay, rối loạn tinh thần. Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có nhiều tác hại như gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Việt Nam đang ở top đầu các nước có tỷ lệ người dân uống rượu, bia cao trên thế giới. Riêng các dịp lễ, Tết thì tăng cả số người uống và số lượng rượu, bia một người uống. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không sớm có các biện pháp quản lý phù hợp, thì rượu, bia sẽ ngày càng gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, sức khỏe, làm gia tăng tai nạn giao thông...
Những năm gần đây, các số liệu thống kê cho thấy tại Việt Nam có khoảng 40% vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia và bình quân mỗi ngày có tới 22 người chết vì TNGT.
Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 là gần 4 tỷ USD. Ước tính chưa đầy đủ cho thấy tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017.
Chi phí y tế trực tiếp cho người bệnh mắc các rối loạn tâm thần do rượu từ 500.000 - 1.000.000đồng/ngày. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 5.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể mù mắt và tử vong cao đặc biệt khi sử dụng rượu rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.
"Việc phòng chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cần thiết phải được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó có việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.Việc ban hành Luật với các biện pháp mạnh mẽ sẽ góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước", Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Việt Nam có thể tự hào có một truyền thống văn hóa uống rượu đậm đà bản sắc dân tộc. Muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa uống rượu như bản chất tốt đẹp ban đầu của nó rất cần người sử dụng phải có sự chừng mực lấy niềm vui là chính, không thúc ép người khác và nâng cao nhận thức "Sống "nghĩa tình" đâu phải "hết mình" vì rượu"!