+Aa-
    Zalo

    Sống khoẻ mạnh, sống thọ mà không cần đến kháng sinh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nuôi con sao cho đúng cách, để bé phát triển toàn diện luôn là điều mà cha mẹ quan tâm và nuôi con không dùng kháng sinh là một trong những phương pháp khoa học.

    Tại buổi hội thảo “Nuôi con không kháng sinh” vừa diễn ra tại Hà Nội, Bác sĩ Phillippe Collin (Pháp) và Bác sĩ Ngô Dũng Tuấn (ĐH Y Hà Nội) đã đưa ra lời khuyên về cách để sống khoẻ mạnh, sống thọ mà không cần đến kháng sinh.

    Nếu một ngày không còn kháng sinh

    Kháng sinh là phát minh vĩ đại của loài người, giúp chống lại nhiều bệnh tật song không ít cha mẹ hiện nay đang sử dụng sai cách, thậm chí lạm dụng cho con em mình.

    Cần phải lưu ý rằng, kháng sinh chỉ có tác dụng với các bệnh do vi khuẩn. Tuy nhiên, kể cả bệnh chắc chắn do vi khuẩn cũng chưa chắc kháng sinh đã có tác dụng, mà chỉ có hại thêm cho cơ thể.

    Bác sĩ Ngô Dũng Tuấn.

    Theo bác sĩ Ngô Dũng Tuấn, không làm kháng sinh đồ (biện pháp để chỉ định đúng loại kháng sinh cho vi khuẩn gây bệnh) và cứ uống kháng sinh thì cơ hội thành công khá thấp vì theo tổ chức y tế thế giới thì 90% vi khuẩn đã kháng thuốc kháng sinh. Bác sĩ Tuấn cũng phân tích từ ví dụ thực tế rằng trên một bao tải thức ăn cho lợn có ghi rõ mười loại kháng sinh trong thành phần và chúng ta lại ăn thịt lợn này hoặc ăn rau được bón bởi chất thải của lợn, cộng với việc kê và uống thuốc kháng sinh bừa bãi khi bị cảm, cúm thông thường... Không khó hiểu vì sao vi khuẩn lại trở nên kháng thuốc một cách siêu nhanh, mạnh và nguy hiểm đến vậy.

    Cùng chia sẻ quan điểm này, bác sĩ Phillippe Collin có hơn bốn mươi năm kinh nghiệm nhưng rất trăn trở về thực trạng nhiều trẻ em Việt Nam còn rất nhỏ “đã bị kê cho hàng loạt kháng sinh” thậm chí “nhiều hơn tất cả các loại kháng sinh tôi đã dùng trong suốt cuộc đời”. Bác sĩ đưa ra cảnh báo về thời đại hậu kháng sinh, khi tất cả các kháng sinh hiện có không còn tác dụng với siêu vi khuẩn kháng thuốc, sẽ là một thảm hoạ tử vong do tất cả các dịch bệnh như lao phổi, các cuộc đại phẫu, ung thư, cấy ghép... đều phụ thuộc vào kháng sinh để phòng tránh nhiễm khuẩn. 

    Vậy nếu một ngày không còn thuốc kháng sinh để chữa bệnh do vi khuẩn đã kháng thuốc, hoặc một ngày chúng ta không có đủ tiền để mua loại kháng sinh đời mới nhất, liệu chúng ta có sống thọ được không? Câu trả lời là “Có”, loài người hoàn toàn có khả năng sống khoẻ mạnh mà không cần đến thuốc kháng sinh.

    Bác sĩ Phillippe Collin (Áo trắng).

    Các biện pháp giảm thiểu dùng kháng sinh cho trẻ nhỏ

    1. Muốn khoẻ mạnh, hãy "yêu" vi khuẩn

    Theo bác sĩ Ngô Dũng Tuấn, vi khuẩn vốn là “người bạn” sống kí sinh trong cơ thể người, đây là nhà máy siêu phàm xử lý thức ăn và sản xuất các chất quan trọng : đạm, vitamin, enzym, khoáng chất, hormones. Nó còn được gọi là “cơ quan bị lãng quên”. Có thể bạn chưa biết rằng chính một loại vi khuẩn trong ruột sản xuất ra hormone serotonin khiến chúng ta vui vẻ hạnh phúc. Vô tình các vi khuẩn này bị tiêu diệt dẫn đến các bệnh về tinh thần lệch lạc. Tình trạng loạn khuẩn đường ruột cũng do lạm dụng kháng sinh ở trẻ nhỏ, dẫn đến trẻ biếng ăn, thấp còi, ốm đau liên miên.

    Có nhiều cách để thể hiện tình yêu với vi khuẩn trong cơ thể mình. Đó là hạn chế dùng thuốc kháng sinh do kháng sinh không thể phân biệt được vi khuẩn có lợi hay có hại mà sẽ tiêu diệt cả hai ; một số vi khuẩn bình thường không gây hại cũng có thể gây ra bệnh nếu thường xuyên phải chịu đựng tác động của thuốc đưa vào cơ thể. Thay vào đó, nên cung cấp cho hệ vi khuẩn trong cơ thể một môi trường sống thuận lợi bằng thực phẩm sạch và suy nghĩ tích cực. Đừng đổ lỗi cho vi khuẩn trong mọi bệnh tật hay tìm mọi cách tránh xa vi khuẩn, nhất là trẻ em cần có tiếp xúc đủ với vi khuẩn để hoàn thiện hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ.

    2. Tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể

    Hệ miễn dịch của cơ thể con người là thứ hoàn thiện nhất và là vũ khí tuyệt vời nhất chống lại mọi bệnh tật, chứ không phải là thuốc kháng sinh hay bất cứ phát minh nào khác mà con người cần phải phụ thuộc vào.

    Trẻ nhỏ trước hết cần có cơ hội ra ngoài thiên nhiên và “được ốm” để kích thích hệ miễn dịch hoạt động và hoàn thiện. Thực tế cho thấy trẻ nhỏ ít được cha mẹ bao bọc, như trẻ nhỏ ở các nước phát triển cũng như trẻ nhỏ ở vùng thôn quê Việt Nam, lại có sức khoẻ tốt hơn do được vui chơi tự do ngoài thiên nhiên trong lành, tiếp xúc nhiều loại vi khuẩn trong lúc chơi bùn, đất, chơi với động vật... Ngoài ra, dinh dưỡng tốt cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng hệ miễn dịch khoẻ mạnh. Dinh dưỡng không cần nhiều nhưng nhất thiết phải sạch, phong phú và cân bằng.

    3. Cẩn thận với đơn thuốc kê kháng sinh

    Hãy tham vấn bác sĩ của bạn về cách để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh, có biện pháp nào để giúp bạn khỏi bệnh mà không phải sử dụng kháng sinh hay không ? Kể cả khi nhận được đơn thuốc kháng sinh, bạn  nên yêu cầu bác sĩ điều trị cho thêm lời khuyên để nhanh chóng phục hồi và giảm nhẹ triệu chứng, như là cách  hạ sốt tự nhiên, các bài thuốc dân gian... Đồng thời, tiêu huỷ bất kì loại thuốc thừa nào sau đợt điều trị !

    Các bệnh đường hô hấp thường gặp, nguyên nhân phổ biến và lời khuyên có/hay không cần dùng kháng sinh.

    4. Tích cực tìm hiểu thông tin, kiến thức khoa học về sức khoẻ

    Cho dù là bác sĩ, tiến sĩ hay một người mẹ bình thường thì đều có chung nỗi hoang mang và nhạy cảm khi con ốm. Do đó, các bậc cha mẹ nên chủ động học hỏi, cập nhật thật nhiều kiến thức khoa học về chăm sóc sức khoẻ để chủ động hơn khi có người trong gia đình bị ốm. Chỉ nên tham khảo kinh nghiệm và kiến thức từ các chuyên gia uy tín hoặc từ việc đọc sách chính thống, tránh trường hợp tìm đến các diễn đàn (forums) thiếu chuyên nghiệp hoặc tới các cơ sở khám chữa bệnh thiếu tín nhiệm.

    Mỹ An

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/song-khoe-manh-song-tho-ma-khong-can-den-khang-sinh-a210660.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan