(ĐSPL) - Trong số 111.000 m3 nước thải mà sông Đồng Nai tiếp nhận mỗi ngày, lượng nước thải chưa qua xử lý ngày càng nghiêm trọng.
Tin tức từ báo VnExpress, trong phiên họp sáng 6/11 tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho biết, con sông này có khoảng 4.500 điểm xả thải từ hơn 10.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, 400 làng nghề, sản xuất nông nghiệp. Trong số 111.000 m3 nước thải mà sông Đồng Nai tiếp nhận mỗi ngày, lượng nước thải chưa qua xử lý ngày càng nghiêm trọng.
Theo đại tá Dương Văn Linh, Phó Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), không chỉ các khu công nghiệp và những cơ sở nuôi trồng thủy sản, bệnh viện cũng có nước thải không qua xử lý đổ thẳng ra sông với lượng lớn.
"Nhiều doanh nghiệp có nhà máy xử lý nhưng đa phần hoạt động không hiệu quả, số liệu quan trắc thiếu khách quan. Đặc biệt, nước thải xuất phát từ nhiều bệnh viện có nhiều mầm bệnh nhưng rất khó xử lý, có nguy cơ tiềm ẩn lan truyền dịch bệnh qua môi trường nước", ông Linh nói.
Tình trạng nhà bị sập do sạt lở. (Ảnh: VnExpress) |
Cũng theo đại tá Linh, hoạt động lấn, lấp sông làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông đang diễn ra phức tạp. Quá trình xây dựng dự án các địa phương chưa đánh giá đầy đủ những tác động đối với môi trường lưu vực sông, xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh, chưa tham vấn và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan quản lý, chuyên môn về môi trường.
"Việc cho phép nạo vét luồng lạch duy tu trên hệ thống sông Đồng Nai cần phải quản lý chặt chẽ và sâu rộng hơn. Chứ tôi thấy hầu hết các dự án này đều có vấn đề, đã có tình trạng nạo vét bên này rồi qua bên kia đổ xuống", đại tá Linh nhấn mạnh.
Trước thực trạng trên, báo Người Lao động dẫn lời người đại diện Cục Phòng chống tội phạm về môi trường, ông Linh kiến nghị các ngành và địa phương tăng cường phối hợp giám sát và có quy chế giám sát chặt chẽ hơn trong việc xả thải; quy hoạch các làng nghề gây ô nhiễm; chấn chỉnh việc nạo vét luồng lạch ồ ạt.
Sông Đồng Nai ngày càng bị thu hẹp. (Ảnh: Thanh Niên) |
Từ đầu năm 2013 đến giữa năm 2015, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trên 11 tỉnh, thành thành viên sông Đồng Nai đã phát hiện 2.116 vụ vi phạm và xử phạt hơn 100 tỉ đồng, khởi tố 15 vụ.
Tại buổi lễ bàn giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai sáng 6/11, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường nhấn mạnh, việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai là hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sống của hơn 15 triệu dân trong khu vực.
Vì vậy các hoạt động của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có ý nghĩa to lớn, cần nêu cao vai trò trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ, “Vấn đề bảo vệ môi trường các lưu vực sông hiện nay trong đà phát triển kinh tế, hạ tầng tương đối ồ ạt càng trở nên phức tạp nên cần phải quan tâm giám sát chặt chẽ, việc bảo vệ môi trường song hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp và nguồn nước, môi trường sống của người dân”- bộ trưởng Quang nhấn mạnh.
Hiện tại sông Đồng Nai, có 7 điểm nóng ô nhiễm nguồn nước như: kênh Ba Bò (giáp ranh Bình Dương và TP HCM), kênh Thầy Cai - An Hạ (TP HCM, Long an và Tây Ninh), suối Riệp (Bình Dương - Đồng Nai), suối Cái - Nhum - Xuân Trường (TP HCM với Bình Dương), suối Linh - Săn Máu (Đồng Nai), sông Giêng - Ui (Bình Thuận - Đồng Nai), sông La Ngà (Bình Thuận - Đồng Nai). |
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video tin tức:
[mecloud] yAnrT52Wju[/mecloud]