Nằm trong vùng quy hoạch để thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La (Sơn La), những cánh rừng thuộc địa bàn xã Ngọc Chiến, huyện Mường La đang bị “chảy máu” từng ngày. Trong khi đó, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm không thể ngăn chặn tình trạng này.
|
Rừng đầu nguồn bị tàn phá, hậu quả là hạ lưu sẽ cạn nguồn nước. Ảnh : TTO |
Tận diệt rừng tự nhiên
Tình trạng phá rừng tại xã Ngọc Chiến đã xảy ra nhiều năm qua, bởi trước đây người dân chủ yếu khai thác những loại gỗ có giá trị cao như pơ mu, dổi, gụ… nhưng hiện nay, khi những loại gỗ quý ngày càng cạn kiệt thì họ chuyển sang chặt phá bất kể loại cây nào.
Với mục đích ghi lại những hình ảnh về tình trạng phá rừng tại đây, chúng tôi đã liên hệ với một số người dân địa phương và được họ dẫn vào khu vực rừng Hua Khoa thuộc bản Khua Bai, xã Ngọc Chiến. Đây là khu rừng nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Ngọc Chiến (huyện Mường La).
Để vào rừng Hua Khoa, chúng tôi phải di chuyển bằng thuyền máy trên vùng lòng hồ thủy điện Ngọc Chiến. Sau gần 30 phút, rừng Hua Khoa bắt đầu hiện ra trước mắt, nhìn từ xa có thể nhận thấy những con đường mòn kéo dài từ đỉnh núi chạy thẳng xuống chân núi. Theo người dẫn đường, đây chính là những con đường dùng để vận chuyển gỗ của bọn lâm tặc.
Nhằm tiếp cận gần hơn khu rừng này, chúng tôi tiếp tục đi thuyền dọc con suối nhỏ vào tận đầu nguồn. Lúc này, chúng tôi bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu của việc phá rừng. Phía hai bên dòng suối là những mảnh rừng bị chặt phá chỉ còn trơ lại gốc cây, càng đi vào sâu, tình trạng này càng phổ biến hơn. Cả một mảnh rừng rộng gần 1ha giờ chỉ còn ngổn ngang những thân cây, tấm gỗ mà những kẻ phá rừng bỏ lại.
Đến khu vực đầu nguồn, chúng tôi xuống thuyền và tiếp tục đi bộ men theo những con đường mòn nằm cheo leo trên những vách núi ẩm ướt, trơn trượt để đi sâu vào rừng. Trên con đường này, dấu vết của tình trạng phá rừng để lại rất rõ. Nằm lẫn trong những cây dại, dây leo phủ kín là hàng loạt những gốc cây có đường kính từ 60 - 80cm, cạnh đó là những giàn giáo tạm bợ được dựng lên để phục vụ cho việc xẻ gỗ. Theo người dẫn đường thì những khu vực thấp, nằm gần chân núi như thế này đã bị người dân khai thác từ nhiều năm trước. Đến nay, khi những khu vực này đã hết những cây gỗ to họ bắt đầu chuyển dần lên khai thác ở những vùng cao hơn.
Sau gần 1 tiếng đi bộ và đu mình trên những dây leo để vượt qua những vách núi dựng đứng, chúng tôi bắt đầu nghe tiếng động cơ máy nổ từ xa vọng lại. Không cần phải nói với nhau, nhưng tất cả đều biết đó chính là dấu hiệu của dùng cưa máy để phá rừng. Theo kinh nghiệm của người dẫn đường, khu vực có tiếng cưa máy còn phải cách nơi chúng tôi đang đứng gần 2 giờ đi bộ nữa.
Đi tiếp một đoạn dài, chúng tôi bắt đầu nghe tiếng người nói chuyện với nhau. Nép mình sau một gốc cây lớn để quan sát, chúng tôi nhận thấy một cây gỗ lớn đã bị hạ xuống và nhóm người này đang xẻ thành những tấm ván. Người dẫn đường nói nhóm người đang xẻ gỗ kia chính là người dân trong xã. Lúc này, chúng tôi thống nhất là sẽ giả làm những người vào rừng tìm phong lan để có thể đến gần mà không gặp nguy hiểm. Tiến đến gần khu vực đang diễn ra việc khai thác gỗ, chúng tôi nhận thấy nhóm người này gồm 3 người đàn ông và 2 phụ nữ.
Tại khu vực đang khai thác gỗ, 2 cây gỗ lớn có đường kính hơn 60cm và cao gần 10m đã bị hạ xuống, trong đó có một cây đào rừng, có tuổi đời hàng chục năm. Từ cây gỗ này, những người khai thác gỗ đã xẻ được 5 tấm ván có độ dài khoảng 5m và dài 10cm. Cạnh khu vực khai thác gỗ là một cái lán dựng tạm bằng cây rừng và 1 bếp củi. Điều này cho thấy, nhóm người khai thác gỗ đã vào rừng nhiều ngày chứ không phải mới vào.
Trò chuyện với một người trong nhóm này chúng tôi được biết họ là người dân ở bản Lướt (xã Ngọc Chiến), mục đích của việc phá rừng là để lấy gỗ về làm nhà. Những người này cũng cho biết thêm, mặc dù biết việc phá rừng là trái phép, nhưng do cần gỗ để làm nhà nên đành liều mình vào rừng lấy. Hơn nữa, do thấy những người khác trong bản cũng đi phá rừng mà không bị cơ quan chức năng nào xử lý nên họ cũng làm theo.
Tiếp tục đi sâu vào rừng, chúng tôi phát hiện thêm 2 điểm khai thác gỗ. Tại những điểm này, sau khi lấy gỗ người dân đã di chuyển đến nơi khác, chỉ còn lại những gốc cây cùng những mảnh gỗ xấu, không dùng được bị bỏ lại.
Vào những lúc cao điểm có đến hàng chục nhóm người vào rừng để khai thác gỗ trái phép. Đặc biệt, vào những dịp giáp tết hay sau một vụ thu hoạch thì lượng người càng đông hơn.
Trên đường quay trở về khu vực đậu thuyền, chúng tôi vô tình đi vào đúng con đường mòn dùng để vận chuyển gỗ mà trước đó khi ở trên thuyền đã nhìn thấy. Quan sát con đường này, chúng tôi nhận thấy rất nhiều vệt kéo gỗ hằn sâu vào đất. Đi dọc con đường thỉnh thoảng lại xuất hiện những tấm gỗ mà lâm tặc chưa kịp vận chuyển bỏ lại. Đặc biệt, trên con đường này còn có những hộp gỗ pơ mu dày gần 20cm và dài khoảng 2m. Trước đây gỗ pơ mu rất nhiều nhưng hiện nay chỉ còn rất ít ở những vùng núi cao hơn, phải đi nhiều ngày mới đến nơi. Do đi xa, vất vả nên người dân cũng ít khi đi lấy mà chủ yếu tập trung khai thác ở những vùng thấp.
Cơ quan chức năng không thể ngăn chặn
Trên con đường dẫn vào trung tâm xã Ngọc Chiến, chúng tôi dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà bằng gỗ đang được người dân dựng lên. Theo tìm hiểu, những ngôi nhà gỗ này được dựng từ chính những cây gỗ mà người dân lấy từ trong rừng về. Mặc dù biết người dân vào rừng lấy gỗ, nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp gì để ngăn chặn. Làm việc với UBND xã Ngọc Chiến, chúng tôi được cán bộ xã cho biết tình trạng phá rừng trên địa bàn diễn ra khá phổ biến và phức tạp.
Trao đổi với PV, ông Lò Văn Sây, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến cho biết, do cuộc sống của người dân ở địa phương còn khó khăn, điều kiện kinh tế không cho phép để mua các loại vật liệu như xi măng, sắt thép để xây nhà, nên khi cần dựng nhà họ buộc phải vào rừng để khai thác gỗ. Hơn nữa, do tập quán sinh hoạt của người dân bản địa là sống trong những căn nhà sàn, nên hầu hết người dân đều muốn ở trong những ngôi nhà này chứ không thích xây nhà.
Ông Sây cũng cho biết thêm, hiện nay người dân không chỉ lấy những cây gỗ lớn về để làm nhà mà còn chặt những cây nhỏ về làm củi đốt hoặc bán cho những người có nhu cầu sử dụng. Vì vậy, diện tích rừng tại địa phương ngày càng bị thu hẹp đi.
Được biết, để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, Hạt kiểm lâm huyện Mường La đã phân công 2 cán bộ phụ trách địa bàn này. Nhưng sự có mặt của lực lượng này tại đây cũng không ngăn chặn được. Rừng thì vẫn bị phá, còn lực lượng chức năng không thể ngăn chặn.
Lý giải vấn đề này, ông Bùi Mạnh Cường, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mường La cho rằng, do diện tích rừng tại xã Ngọc Chiến quá lớn với hơn 18.000ha, trong khi cán bộ kiểm lâm chỉ có 2 người nên không thể quản lý hết được. Theo quy định, thì với diện tích rừng như vậy thì phải có 18 cán bộ kiểm lâm phụ trách, nhưng vì không có biên chế nên Hạt kiểm lâm huyện cũng không biết xử lý thế nào.
Vị Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mường La cũng thừa nhận tình trạng phá rừng diễn ra công khai, phổ biến trên địa bàn. Tuy nhiên, dù lực lượng chức năng có xử lý thế nào thì cũng không thể kiểm soát được. Theo ông, nguyên nhân chính của tình trạng phá rừng là do nhận thức của người dân còn thấp, không biết được hậu quả lâu dài của việc này. Mặc dù lực lượng kiểm lâm đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho người dân nhưng không có hiệu quả, hàng ngày họ vẫn vào rừng lấy gỗ.
Nguy cơ bị tàn phá trước khi được bảo tồn
Hiện nay, tỉnh Sơn La đang lập quy hoạch để xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La. Theo đó, khu bảo bảo tồn này sẽ thuộc thuộc ba xã là Ngọc Chiến, Nặm Păm và Hua Trai, trong đó xã Ngọc Chiến chiếm diện tích lớn nhất với diện tích hơn 18.000ha.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, rừng phòng hộ đầu nguồn Mường La hiện đang lưu giữ một phần vùng rừng á nhiệt đới ở Việt Nam với loài vượn đen tuyền nằm trong sách Đỏ thế giới. Đây là khu vực có cảnh quan độc đáo, tài sản toàn cầu có giá trị đa dạng sinh học cao. Đặc biệt, nơi đây còn có 20 - 30 cá thể vượn đen tuyền, loài vượn đang bị đe dọa tuyệt chủng cao, hiện chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Bởi vậy, rừng nơi đây là một tài sản quý hiếm, thu hút sự chú ý không chỉ cấp quốc gia. Đây còn là nơi cư trú của các quần thể voọc xám, niệc cổ hung, gà lôi hồng tía và beo lửa (tuy nhiên đang ở mức độ nguy cấp). Không những thế, rừng nơi đây còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho các hồ chứa ở Mường La, các nhà máy thủy điện và việc canh tác nông nghiệp khu vực xung quanh.
Tuy nhiên, bên cạnh chứa đựng trong mình sự đa dạng sinh học, rừng nơi đây đang bị xâm lấn bởi tình trạng khai thác lâm sản, phá rừng trồng thảo quả, phát triển thủy điện hay thu hái lâm sản phụ đã ảnh hưởng và tác động tới cảnh quan, sinh cảnh các loài hoang dã... Trong khi đó, việc địa phương được khuyến khích tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế.
Theo thống kê của Hạt kiểm lâm huyện Mường La, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2014, đã có hơn 49ha rừng phòng hộ bị thiệt hại; lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử lý 208 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, tăng hơn 200\% so với cùng kỳ năm trước. Hạt kiểm lâm huyện đã tịch thu hơn 37m3 gỗ các loại, phạt hành chính trên 1,9 tỷ đồng. Những con số trên đã phần nào cảnh bảo về thực trạng phá rừng ngày càng tăng ở địa phương này. Qua thực tế cho thấy, chính người dân địa phương tự quyết định việc sử dụng rừng, xác định nơi nào để chăn thả gia súc, cây nào có thể khai thác nhưng chưa có sự định hướng của chính quyền và cơ quan kiểm lâm. Do vậy, rừng nơi đây đứng trước nguy cơ suy thoái ngày một nhanh. Chính vì vậy, nếu các lực lượng chức năng không quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép, thì trong tương lai gần, việc rừng bị tàn phá trước khi được bảo tồn là điều có thể xảy ra. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/son-la-rung-tu-nhien-ngoc-chien-dang-can-kiet-a71162.html