(ĐSPL) - Nhận thức của người dân thay đổi theo hướng tích cực, các mô hình kinh tế lần lượt ra đời, thu nhập bình quân đầu người tăng cao… Đó là những dấu hiệu chuyển biến mạnh mẽ của một xã vùng biên - Sơn Hồng (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Trở lại Sơn Hồng trong những ngày nắng, không khó để nhận ra sự thay da đổi thịt của một xã vùng biên giáp với nước bạn Lào. Trên các trục đường làng ngõ xóm, đâu đâu cũng bắt gặp những câu khẩu hiệu, biểu ngữ chúc mừng các ngày lễ lớn của dân tộc. Sự chuyển biến về nhận thức cửa người dân là đòn bẩy để đưa Sơn Hồng bước sang trang mới.
Trước đây, để phát triển kinh tế, người dân Sơn Hồng chủ yếu dựa vào rừng. Ngày hai buổi, họ vào rừng khai thác gỗ. Công việc vất vả, cực nhọc nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Nhận thấy, với tình hình hiện tại, chỉ dựa vào việc khai thác gỗ, cuộc sống khó có thể đi lên nên Sơn Hồng đã tìm cho mình hướng đi mới. Trong đó, mô hình Vườn – Ao – Rừng (VAR) được chú trọng hàng đầu.
Cây cao su được xem là cây chủ đạo của Sơn Hồng |
Tận dụng lợi thế về địa hình và thổ nhưỡng, người dân Sơn Hồng ưu tiên phát triển cây cao su. Đơn cử như hộ ông Trần Xuân Dục, đến nay, gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng cao su lên đến hàng chục hecta. Ông Dục tin tưởng rằng: “Mảnh đất Sơn Hồng rất hợp với trồng cao su. Sau 3 năm trồng thử nghiệm, tôi thấy loại cây này phát triển rất tốt. Hy vọng, trong vài năm tới, cao su sẽ cho năng suất cao”.
Song hành với cao su, keo lá tràm cũng đang mọc lên ngày càng nhiều. Gia đình chị Thái Thị Quý (Thôn 2) trồng đến 5ha keo lá tràm, cho thu nhập ổn định, kinh tế gia đình nhờ đó đi lên, cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi lợn từ 30 – 40 con, mô hình chăn nuôi hươu sao trên 10 con, nuôi cá… hay các loại con giống cho năng suất cao cũng lần lượt được hình thành và mở rộng. Điển hình là các hộ: ông Nguyễn Bá Đại, bà Trần Thị Thủy, ông Cao Hữu Hải…
Các mô hình chăn nuôi đang dần được mở rộng |
Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ cũng mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân địa phương. Trong năm 2013, diện tích canh tác sản xuất lúa, lạc, ngô, khoai không ngừng được tăng lên, đạt sản lượng 1532 tấn/năm.
Để người dân yên tâm phát triển kinh tế, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để đảm bảo an toàn, an ninh khu vực cho người dân.
Vui mừng trước những đổi thay của địa phương, ông Đoàn Anh Thân, Chủ tịch xã Sơn Hồng cho biết: “Trước đây, người dân Sơn Hồng chủ yếu vào rừng khai thác gỗ nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước cũng như sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, bà con nhân dân đã có những thay đổi tích cực. Quan trọng nhất, đó là sự thay đổi về nhận thức, từ đó góp phần làm nên những chuyển biến về kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống gia đình”.