+Aa-
    Zalo

    Soi sức mạnh của vũ khí 'sát thủ' được quân đội Nga dùng ở Ukraine

    (ĐS&PL) - Việc sử dụng Iskander-M ở Ukraine là cơ hội không thể tốt hơn để Nga hoàn thiện các điểm còn thiếu sót của loại vũ khí này.

    19FortyFive đưa tin ngày 28/8, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết, tên lửa Iskander đã nhắm trúng một tàu quân sự của Ukraine ở khu vực Dnepropetrovsk, khiến hàng chục phương tiện quân sự bị phá hủy trên đường tới Donbass.

    suc manh cua ten lua ma nga dung o ukraine dspl
    Tên lửa Iskander khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

    Trong quá trình sử dụng tên lửa để tấn công các mục tiêu quân sự ở Ukraine, tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M của Nga phóng ra loại mồi nhử chưa từng được biết đến trước đây, khiến việc đánh chặn trở nên bất khả thi.

    Nhà phân tích quân sự Thomas Newdick cho biết, loại mồi nhử này được gọi là “hệ thống hỗ trợ xâm nhập” hoặc penaid. Chúng được thiết kế để tăng cơ hội xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương.a

    Penaid trước đây chỉ được trang bị cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nó được bố trí cùng với đầu đạn hạt nhân. Khi đầu đạn chuẩn bị tái nhập khí quyển, hệ thống này sẽ được kích hoạt phóng về phía trước đầu đạn.

    Penaid tạo ra một vật thể phản xạ radar lớn phía trước để che chắn đầu đạn phía sau khỏi hệ thống radar của đối phương. Ngoài ra, hệ thống này còn phát ra tín hiệu vô tuyến gây nhiễu radar dẫn đường và điều khiển hỏa lực.

    Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander, NATO định danh là SS-26 Stone được Nga phát triển vào giữa những năm 2000. Tên lửa được đưa vào trực chiến từ năm 2006.

    Iskander được phát triển để thay thế cho loại tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-21 Tochka đã lạc hậu. Iskander được thiết kế với nhiều tính năng vượt trội so với Tochka. Tên lửa được bố trí trên xe mang phóng chuyên dụng với khả năng cơ động cao.

    Một trong những tính năng nổi bật của Iskander là có thể chỉ thị mục tiêu từ nhiều nguồn khác nhau. Mục tiêu có thể được chỉ thị bằng vệ tinh, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm, hoặc trinh sát trên mặt đất.

    "Tên lửa Iskander-M hoạt động với độ chính xác của một khẩu súng bắn tỉa. Tên lửa này có thể nhắm trúng một chiếc cửa sổ từ khoảng cách hàng chục km. Nó mang đầu đạn đương lượng cao đủ để phá hủy một tòa nhà, một tàu chiến hoặc công trình trên mặt đất", Văn phòng báo chí của tập đoàn Rostec cho hay.

    Iskander-M có tầm bắn khoảng 400-500 km. Mỗi xe mang phóng có thể mang theo 1-2 tên lửa Iskander. Tên lửa có chiều dài 7,3 m, đường kính 0,9 m, trọng lượng phóng 3,8 tấn với phiên bản gốc, 4,6 tấn với phiên bản Iskander-M. Tên lửa mang theo đầu đạn nặng 800 kg.

    Một số ý kiến cho rằng việc Nga để lộ tính năng độc đáo của tên lửa Iskander ở Ukraine là cơ hội cho phương Tây nghiên cứu biện pháp đối phó. Hiệu quả của tên lửa Iskander có thể bị giảm trong các cuộc chiến ở tương lai.

    Tuy nhiên, bất kỳ vũ khí nào đều cần được thử nghiệm ở chiến trường thực tế để kiểm chứng các tính năng của nó. Việc sử dụng Iskander-M ở Ukraine là cơ hội không thể tốt hơn để Nga hoàn thiện các điểm còn thiếu sót của nó.

    Trong tương lai, Iskander-M được cho là sẽ trở thành sát thủ đáng sợ hơn đối với NATO.

    Mộc Miên (Theo Railway Technology)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/soi-suc-manh-cua-vu-khi-sat-thu-duoc-quan-doi-nga-dung-o-ukraine-a549248.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan