(ĐSPL) – Bác sĩ Anh Tuấn - Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, sốc phản vệ cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả những người trước đó không có tiền sử dị ứng thuốc hay với hoá chất, thức ăn.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội về vụ việc hai bệnh nhân tử vong nghi sốc phản vệ sau khi gây mê tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức (đường Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì cả hai bệnh nhân này đều được sử dụng các loại thuốc giống nhau trong giai đoạn tiền mê và gây mê. Cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm các thuốc ở giai đoạn hai.
Vậy gây mê có thật sự nguy hiểm và những ai có thể gặp biến chứng sau khi gây mê? Trao đổi với phóng viên, một bác sĩ của Chuyên khoa Hồi sức Cấp Cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hội chứng truyền propofol (Propofol là thuốc an thần gây ngủ trong gây mê. Khi bệnh nhân đang dùng thuốc do vẫn còn tác dụng của thuốc mà loại trừ bị mê do các bệnh khác thì sẽ được gọi là hội chứng truyền propofol) hiếm gặp nhưng là một biến chứng rất nguy hiểm.
Theo vị bác sĩ của Chuyên khoa Hồi sức Cấp Cứu, hội chứng này có thể xuất hiện do nhiều nguy cơ khác nhau.
Một số yếu tố nguy cơ xuất hiện hội chứng truyền propofol bao gồm: liều lượng và thời gian truyền, thiếu hụt carbohydrate (đói ăn), bệnh nặng, sử dụng đồng thời với catecholamines và glucocorticosteroids.
Bệnh viện Đa khoa Trí Đức nơi xảy ra sự việc. |
Sinh lý bệnh của hội chứng truyền propofol bao gồm: tổn thương quá trình oxy hóa beta của acid béo tại ty lạp thể, gián đoạn chuỗi vận chuyển các điện tử, và tắc nghẽn các thụ cảm thể beta giao cảm (beta-adrenoreceptor) và các kênh canxi tại màng tế bào cơ tim.
Bệnh thường biểu hiện là một tình trạng toan chuyển hóa tăng khoảng trông anion mà không rõ nguyên nhân, tiêu cơ vân, tăng kali máu, tổn thương thận cấp, tăng men gan và rối loạn chức năng tim (rối loạn nhịp tim chậm dẫn tới ngừng tim).
“Điều trị hội chứng truyền propofol bao gồm: ngừng truyền propofol ngay lập tức, có thể phải lọc máu, hỗ trợ huyết động (bao gồm đặt máy tạo nhịp tim tạm thời), và trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong những trường hợp không đáp ứng với các điều trị khác.
Vì tỷ lệ tử vong của hội chứng truyền protofol là rất cao, cho nên biện pháp điều trị tốt nhất là dự phòng. Bác sĩ lâm sàng nên cân nhắc sử dụng các thuốc an thần thay thế khi phải truyền propofol kéo dài và phải giữ liều propofol tối đa trong giới hạn cho phép”, vị bác sĩ này cho hay.
Như vậy, theo bác sĩ của Chuyên khoa Hồi sức Cấp Cứu, khả năng cả hai bệnh nhân tử vong đều có ít nhất hai yếu tố nguy cơ (thiếu hụt carbohydrate/nhịn ăn để phẫu thuật và sử dụng đồng thời với glucocorticosteroids để tiền mê) có thể dẫn tới hội chứng truyền propofol gây rối loạn nhịp tim chậm và ngừng tim.
Không có thuốc nào có thể cứu được nếu bệnh nhân không được ngừng thuốc ngay, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và tiến hành trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO).
Đồng tình với quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc hai bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức nằm ngoài sức tưởng tượng của các bác sĩ gây mê.
Bác sĩ Tuấn cho biết, bất cứ loại thuốc nào đều có tác dụng phụ. Nhẹ thì phù nề, ngứa ngáy, nặng thì có thể bị sốc phản vệ ảnh hưởng tới tính mạng. Nhất là trong lúc gây mê các thầy thuốc phải kết hợp nhiều loại thuốc và hoá chất cũng như dụng cụ y tế dẫn tới nguy cơ càng cao.
Việc xác định chính xác nguyên nhân thuốc hay hoá chất nào gây ra sốc phản vệ không cần thiết tại thời điểm xảy ra sốc phản vệ vì tất cả các trường hợp bị bệnh lý này đều có biểu hiện giống nhau. Việc quan trọng là phải phát hiện, xử lý đúng và nhanh chóng. Trong những tình huống nguy kịch như vậy, thời gian vàng được tính bằng giây chứ không phải bằng phút.
Bác sĩ Anh Tuấn chia sẻ, sốc phản vệ cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai mà trước đó không có tiền sử dị ứng thuốc hay với hoá chất, thức ăn.
Trước băn khoăn của nhiều người về việc sốc phản vệ nguy hiểm vậy, tại sao trước khi gây mê không test? Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc làm test trước khi sử dụng thuốc cũng không có giá trị phòng ngừa được sốc phản vệ vì hiện nay không có một chuẩn mực nào về thử test. Các kết quả thử test thường cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả.
Hơn nữa, các trường hợp sốc phản vệ thông qua cơ chế miễn dịch lại không phụ thuộc vào liều lượng, chỉ cần một liều rất nhỏ thuốc đưa vào cơ thể cũng có thể làm bùng phát phản ứng miễn dịch dây chuyền và gây ra sốc phản vệ.
Điều 99. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009) 1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm. 2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |