Sở Y tế TP. HCM nói gì về nguyên nhân thiếu thuốc ở các cơ sở y tế?
(ĐS&PL) - Trước thông tin các cơ sở y tế thiếu thuốc, sở Y tế TP. HCM cho biết đã làm việc với các bệnh viện, trung tâm y tế trực thuộc để lắng nghe và trao đổi về tình hình cung ứng thuốc.
Ngày 20/6, lãnh đạo sở Y tế TP. HCM đã chủ trì buổi làm việc trực tiếp với Giám đốc và Trưởng khoa Dược của tất cả bệnh viện và trung tâm y tế trực thuộc, VietNamNet đưa tin.
Theo thông báo phát ra chiều muộn ngày 20/6, sở Y tế TP. HCM một lần nữa khẳng định, về cơ bản các bệnh viện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân. Hầu hết các bệnh viện đã và đang tổ chức đấu thầu thuốc theo quy định.
Sở Y tế thông tin, khi được hỏi bệnh viện có thiếu thuốc hay không, hầu hết các Giám đốc đơn vị trả lời là “có”. Tuy nhiên tất cả đều cho rằng, đây là vấn đề đã tồn tại từ rất lâu. Việc này có nhiều nguyên nhân khác nhau, không phải do sợ sai mà không dám tổ chức đấu thầu hoặc đấu thầu muộn.
Nguyên nhân của việc thiếu thuốc là ngành y tế thành phố luôn bị động đối với một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do không có nhà cung ứng do ngừng sản xuất như: Dopamin, dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn,…
Ngoài ra, các loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt như thuốc gây nghiện, hướng thần như Diazepam, Phenobarbital dạng tiêm, Midazolam,… trong những năm sau này khó tìm do nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu hoặc do các công ty trên thế giới đã ngừng sản xuất.
Một vài loại thuốc mới đây bị gián đoạn cung ứng do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga -Ukraina (thuốc Methotrexat sản xuất từ Belarus), hoặc do hết số đăng ký nhưng chưa được bộ Y tế gia hạn.
Trước những tình hình phát sinh mới này, các bệnh viện đều có phương án sử dụng thuốc thay thế, ngoại trừ một số thuốc không thể thay thế (như các loại huyết thanh kháng nọc rắn).
Bên cạnh đó, theo sở Y tế TP. HCM, các bệnh viện trên địa bàn còn bị động trong vấn đề mua sắm thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia (công việc này do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thực hiện theo quy định).
Nếu chờ có kết quả của trung tâm này thì khả năng thuốc bị thiếu. Còn nếu chủ động đấu thầu thì có khả năng gặp khó khăn trong thanh toán khi Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia có kết quả đấu thầu với giá thấp hơn giá mua của các bệnh viện đã đấu thầu trước đó.
Ngoài ra, một số thuốc mới phát sinh do các bệnh viện tuyến cuối triển khai thêm các kỹ thuật mới, chuyên sâu như thuốc điều trị trong lĩnh vực ung bướu, huyết học,… Hầu hết các thuốc này chưa có số đăng ký, chủ yếu là nhập khẩu chuyến hằng năm sau khi được bộ Y tế cấp phép. Trường hợp Bộ Y tế chưa cấp phép kịp thì khả năng các thuốc này sẽ bị thiếu trong một khoảng thời gian nhất định (thực tế các bệnh viện đều mong bộ Y tế xem xét, phê duyệt khi bệnh viện cần nhập khẩu chuyến để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh).
Cùng với đó, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực tham gia công tác đấu thầu thuốc theo quy định, chưa có kinh nghiệm trong mua sắm (như Trung tâm Y tế quận, huyện; bệnh viện quận, huyện quy mô nhỏ). Các cơ sở này thường bị động trong công tác đấu thầu thuốc vì mua sắm với số lượng nhỏ và thiếu kinh nghiệm trong mua sắm thuốc bổ sung theo quy định đối với những thuốc không trúng thầu.
Trước tình hình trên, sở Y tế TP. HCM kiến nghị UBND TP hỗ trợ ngân sách cho ngành y tế trong việc dự trữ một số thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh, sớm hiện thực hóa Đề án xây dựng Khu công nghệ Y - Dược kỹ thuật cao để hạn chế việc lệ thuộc nhập khẩu một số thuốc, vật tư y tế trong cấp cứu và điều trị chuyên sâu.
Với bộ Y tế, sở Y tế TP. HCM kiến nghị rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký đối với các thuốc đã hết hạn số đăng ký; Xem xét và rút ngắn thời gian cấp phép nhập khẩu chuyến đối với những thuốc chưa có số đăng ký; Xem xét, cấp số đăng ký đối với những thuốc thường xuyên phải xin phép nhập khẩu chuyến.
Ngành y tế TP đề nghị bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia rút ngắn thời gian đàm phán giá, đấu thầu tập trung để các bệnh viện kịp thời ký hợp đồng mua sắm với các nhà cung cấp, tránh gây gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh.
Ngoài ra, cần có chính sách đặt hàng cho các nhà sản xuất trong nước ưu tiên sản xuất các loại thuốc cấp cứu, đặc trị như huyết thanh kháng nọc rắn…
Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa có văn bản gửi sở Y tế các tỉnh, thành phố và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.