Thực hiện Công điện số 15/CĐ-UBND của UBND Thành phố, ngày 12/9, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; tổ chức cứu chữa miễn phí cho người bị thương.
Theo đó, để chủ động khắc phục hậu quả của bão số 3, Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Thành phố tại Công điện số 15. Bên cạnh đó, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị tiếp tục tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; tổ chức cứu chữa miễn phí cho người bị thương.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên kịp thời đối với những người bị thương, bị thiệt mạng, bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Riêng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu đơn vị này hướng dẫn Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và quản lý chất thải y tế sau bão lũ tại địa phương.
Ngoài ra, CDC Thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt, công tác thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế hoặc trong các khu tránh trú an toàn.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng về công tác nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dịch sau bão lũ.
Kiểm soát ATVSTP với thực phẩm tài trợ, hỗ trợ, ủng hộ nhân dân
Sở Y tế cũng yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.
Cụ thể là chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế tham mưu cho UBND các cấp thực hiện biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các thực phẩm tài trợ, hỗ trợ, ủng hộ... cho nhân dân trong vùng lụt bão.
Đối với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế yêu cầu, tăng cường các biện pháp đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ, ngập úng; quản lý và xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế hoặc tại nơi úng lụt; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt.
Đồng thời, chuẩn bị cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp sau mưa lũ (bệnh về đường tiêu hóa, bệnh da liễu, bệnh về mắt...) để cấp phát cho người dân; các hóa chất (cloraminB, phèn chua..) để xử lý nguồn nước, xử lý môi trường.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với các bệnh viện đa khoa trên địa bàn khám, cấp cứu các trường hợp chịu ảnh hưởng của thiên tai, úng lụt.
Còn tại các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, cơ số thuốc để tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên. Kiện toàn các đội cấp cứu cơ động, đội phẫu thuật cơ động (tùy theo tình hình thực tế), sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
"Thực hiện cấp cứu kịp thời các tai nạn, sự cố trong thời gian mưa bão, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai, các dịch bệnh có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trên địa bàn", Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.