Lúc trẻ, Nguyễn Tấn Phát thích săn bắn thú rừng nên tự mày mò chế tạo súng bắn đạn chài để đi săn. Phát tự vẽ mẫu, lên bản thiết kế, liệt kê dụng cụ, vật liệu… chế tạo “hàng nóng”. Vốn là chủ vựa ve chai, Phát tận dụng thuốc nổ từ các loại vỏ đạn, đạn cũ… trong quá trình thu mua để tiết kiệm chi phí. Từ chỗ sản xuất “cho vui”, Phát lên kế hoạch bán “hàng nóng” cho người có nhu cầu ở trong và ngoài nước.
Quy ước “chết thằng nào thằng đó chịu”
Ngày 26/5, đại diện Công an tỉnh Tây Ninh cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ cho VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 9 bị can về hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và tàng trữ trái phép vật liệu nổ.
Nhắc lại quá trình triệt phá nhóm đối tượng chế tạo, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng do Nguyễn Tấn Phát (SN 1969, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cầm đầu, Đại úy Nguyễn Phi Trường, Đội trưởng đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm (phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội-PC45), Công an tỉnh Tây Ninh) cho biết: “Không chỉ triệt phá đường dây buôn bán trái phép vũ khí quân dụng, chúng tôi còn phát hiện được nguồn “sản xuất” các vũ khí này để xử lý triệt để”.
Đối tượng Nguyễn Tấn Phát. |
Theo Đại úy Trường, trước đó, các trinh sát phát hiện một số đối tượng móc nối mua bán trái phép các loại vũ khí tự chế. Vũ khí sản xuất được chúng chôn giấu trong rừng, hoặc ngụy trang gửi ở nhà người khác. Bọn tội phạm hết sức cảnh giác, khi hành sự, chúng không để lại dấu vết.
Đặc biệt, chúng quy ước với nhau là khi bị phát hiện, “chết thằng nào thằng đó chịu”, không khai đồng bọn. Do đối tượng gây án ở rừng sâu trong xã Tân Hà (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) xuống tận địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM)... nên các trinh sát luôn phải ngược xuôi đeo bám mọi di biến động của chúng.
Đầu tháng 1/2016, trinh sát đã thu thập đầy đủ thông tin về đường dây sản xuất, buôn bán vũ khí trái phép này. Được lệnh của lãnh đạo ban chuyên án, tổ trinh sát kiên trì bám sát “không rời mắt” hai đối tượng Nguyễn Tấn Phát và Trần Hữu Phước (SN 1983, ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) khi chúng đến huyện Dương Minh Châu để bán 2 khẩu súng dài tự chế cho một người Việt Nam sinh sống ở Campuchia.
Ngày 8/1/2016, nắm được các đối tượng đang tìm cách gặp nhau để “giao hàng”, PC45 phối hợp phòng An ninh điều tra (Công an tỉnh Tây Ninh) và Công an huyện Dương Minh Châu tổ chức “đón lõng” tại những địa điểm có khả năng đối tượng đi qua. Khoảng 15h, các trinh sát phát hiện Phát, Phước đang đi trên xe mô tô hiệu Future từ Bình Dương sang Tây Ninh, theo đường bờ hồ Dầu Tiếng. Biết “bị lộ”, Phát, Phước lập tức quay đầu xe, tăng ga chạy trốn.
Tuy nhiên, các trinh sát đã kịp thời truy đuổi, khống chế các đối tượng, thu giữ 2 khẩu súng dài tự chế cùng 20 viên đạn AK, 20 viên đạn chài, 1 vỏ đạn chài, 140 hạt nổ, 2,6kg đạn chì, 150g thuốc nổ... Ngay sau khi bắt quả tang Phát, Phước, Ban chuyên án tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Phát, Phước ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi thu thêm 1 khẩu súng hơi, 6 hộp hạt nổ (mỗi hộp có 70 hạt nổ), 7 viên đạn tự chế, 1 hộp đựng 100 viên bi chì và các thiết bị chế tạo súng như: 2 đoạn sắt để làm nòng súng, kim loại chế bi chì, máy tiện...
Chủ vựa ve chai “thích chế tạo” vũ khí
Cùng thời điểm bắt giữ Phát, một tổ trinh sát khác tiến hành khám xét, bắt khẩn cấp Tạ Văn Rang (SN 1962), Nguyễn Hữu Đức (SN 1974, cùng ngụ ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu) thu giữ 3 khẩu súng dài tự chế, một bộ phận cò nối liền tay cầm súng M16, 1 nòng súng tự chế, 6 viên đạn thể thao, 5 viên đạn ga-răng cùng 15 vỏ đạn...
Mở rộng điều tra, Công an Tây Ninh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Kiển (SN 1974). Sau đó, trước sự truy lùng ráo riết của lực lượng trinh sát, các đối tượng Nguyễn Văn Lập (SN 1976), Lê Thanh Phong (SN 1970), Phạm Hồng Sơn (SN 1980) cùng ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh và Hoàng Xuân Dũng (SN 1958) ngụ khu phố 3, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, đã ra đầu thú.
Tại cơ quan công an, ông “trùm” đường dây, Nguyễn Tấn Phát khai nhận, năm 1988, y mua khẩu súng săn hai nòng với giá 1.200 USD ở quận 1 (TP.HCM) rồi lên Tây Ninh săn bắn thú rừng. Phát mang súng sang Campuchia đi săn.
Vũ khí do Nguyễn Tấn Phát chế tạo và buôn bán. |
Tại đây, hắn bị lực lượng chức năng nước bạn truy đuổi nên ném bỏ súng chạy thoát thân. Tức tối, tiếc rẻ, Phát ngày đêm nghiên cứu, chế tạo súng bắn đạn chài để đi săn. Cùng lúc đó, Phát thấy một số người quen có nhu cầu sử dụng loại súng này để săn bắn nên móc nối để bán vũ khí. Vốn là chủ vựa ve chai nên trong quá trình thu mua, Phát chú ý thu mua các loại đạn, vỏ đạn,... có chứa thuốc nổ để tận dụng “chế tạo” đạn chài.
Phát tự lên ý tưởng, vẽ mẫu, liệt kê dụng cụ, vật liệu... để “chế tạo” vũ khí. Năm 2004, Phát bán cho Tạ Văn Rang, bạn săn bắn của Phát, khẩu súng tự chế với giá 700.000 đồng. Phi vụ đầu tiên trót lọt, Phát tiếp tục bán cho Phạm Hồng Sơn khẩu súng cùng 20 viên đạn với giá 7 triệu đồng. Khi mua xong, Sơn đưa súng và đạn cho Lê Thanh Phong cất giữ để cùng nhau đi săn.
Sử dụng một thời gian, đến tháng 7/2015, qua môi giới của Phát, Sơn đổi khẩu súng cho Hoàng Xuân Dũng để lấy chiếc xe gắn máy. Năm 2014, Phát bán cho Nguyễn Thành Lập một khẩu cùng 20 viên đạn với giá 4 triệu đồng.
Sau khi sử dụng, năm 2015, Lập bán lại cho Nguyễn Văn Kiển với giá 4 triệu đồng. Khẩu súng này, Kiển cũng đưa cho Phong cất giữ để đi săn. Đến tháng 10/2015, Phát giao cho Nguyễn Hữu Đức cất giữ một khẩu cùng 32 viên đạn K44 và 21 viên đạn tự chế. Đức dùng súng này đi săn bắn ở rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Tính đến thời điểm bị bắt, Phát đã “chế tạo” được 6 khẩu súng có đầy đủ các bộ phận với tính năng tác dụng như vũ khí quân dụng, bán được hơn 17 triệu đồng.
Vào đầu năm 2016, có 2 người đàn ông tên Tâm và Bình (chưa rõ lai lịch) đến gặp Phát hỏi mua súng. Phát lấy khẩu súng bắn đạn AK và 1 khẩu súng bắn đạn chài cho khách hàng xem. Sau khi xem súng, Bình đặt mua 2 khẩu giống như mẫu mà Phát quảng cáo với giá 24 triệu đồng. Người này đưa trước 4 triệu đồng và hẹn tháng sau giao hàng. Đến ngày 8/1, Phát nhờ Trần Hữu Phước chở đến huyện Dương Minh Châu để giao súng thì bị Công an tỉnh Tây Ninh phát hiện và bắt giữ.
Phải hóa trang để theo dấu tội phạm Đại uý Nguyễn Phi Trường cung cấp thêm thông tin: “Trong quá trình phá án, việc theo sát hai đối tượng Đức, Rang có nhà ở bìa rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng, khu vực giáp ranh Tây Ninh- Bình Dương-Bình Phước là vô cùng khó khăn, nhiều lần các trinh sát bị lạc. Địa bàn đối tượng cư ngụ dân cư thưa thớt, phần lớn họ có họ hàng với nhau nên nhiều lúc chiến sỹ trinh sát phải hoá trang để tránh bị đối tượng phát hiện. Đối với các đối tượng ở huyện Củ Chi, TP.HCM, nhằm bảo đảm bí mật, các trinh sát đã âm thầm theo dõi, đeo bám đối tượng mà không phối hợp công an địa phương, lại không quen đường nên rất dễ mất dấu vết đối tượng”. |
Ngọc Lài
[mecloud]F5YqHYf85q[/mecloud]