+Aa-
    Zalo

    Số phận nghiệt ngã của người đàn ông chỉ dám ra ngoài…vào ban đêm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mỗi khi có việc cần, anh phải trùm kín mặt hay chọn thời điểm về đêm để ra ngoài. Khó khăn là vậy nhưng anh còn phải nuôi thêm người mẹ già mắc bệnh động kinh...

    (ĐSPL) - Mang trên người hàng ngàn khối u, người đàn ông này luôn sống trong sự mặc cảm, xấu hổ. Thêm vào đó, bàn chân trái lại có cái u to như ấm nước nặng khoảng 7kg càng khiến anh thêm dị dạng, đi lại khó khăn. Mấy năm gần đây, anh không dám ra ngoài vì sợ người khác phát khiếp. Mỗi khi có việc cần, anh phải trùm kín mặt hay chọn thời điểm về đêm để ra ngoài. Khó khăn là vậy nhưng anh còn phải nuôi thêm người mẹ già mắc bệnh động kinh.

    Đó là gia cảnh cùng cực của gia đình anh Lâm Văn Sáu, trú xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

    Khốn khổ người đàn ông chân voi

    Gặp người đàn ông đặc biệt này trong căn nhà xập xệ ở thôn 11, hình ảnh khiến chúng tôi nhớ nhất là những cái u to, nhỏ mọc khắp người. Vén chiếc váo phông đang mặc trên người lên anh chỉ cho chúng tôi xem những cục u như cục thịt thừa nằm chi chít khắp người. "Những khối u này làm tôi khó chịu lắm, đặc biệt là những hôm động trời, những cục thịt này khiến tôi nhiều đêm mất ăn, mất ngủ vì đau nhức”, anh Sáu nói.

    Số phận nghiệt ngã người đàn ông chỉ dám ra ngoài…vào ban đêm
    Người đàn ông bất hạnh bên người mẹ già mắc bệnh động kinh của mình.

    Ngồi trên chiếc giường nhỏ ở góc nhà, người mẹ già khoảng 80 tuổi Đặng Thị Nguyên lơ ngơ nhìn cảnh vật xung quanh. Thấy chúng tôi có vẻ tò mò, anh Sáu liền phân trần: “Mẹ tôi mắc chứng bệnh động kinh suốt chục năm nay rồi, nhưng vì không có tiền nên đành để mẹ ở nhà uống thuốc tạm chứ không đưa đi bệnh viện được. Mỗi lúc mẹ lên cơn động kinh, tôi không biết làm gì, chỉ biết ôm mẹ thật chặt để mẹ không đập phá lung tung, đến khi cơn điên hết mới thôi. Tôi thương mẹ lắm, nhưng trong hoàn cảnh này thì đành chịu cô à”. Nghe những câu nói được phát ra từ người đàn ông nhỏ thó với ngoại hình khác người khiến tôi nhói lòng.

    Được biết, Lâm Văn Sáu là người con thứ 6 trong gia đình có 9 anh em. Từ khi lọt lòng mẹ, trên người Sáu đã xuất hiện những cục u lạ, nhưng vì gia cảnh nghèo đói bà đành nhắm mắt làm ngơ để con ở nhà nuôi nấng với hy vọng “sau này lớn lên chắc nó sẽ biến mất”.

    Thế nhưng, Sáu càng lớn thì những cục này cũng lớn theo dần, không những thế nó còn mọc thêm với mật độ dày hơn. “Lúc đầu trên mặt ôi cục nhỏ thôi, nhưng đến năm 15 tuổi tôi thấy ngứa ngáy khắp mặt rồi lan dần khắp vùng mặt”, anh Sáu buồn bã kể lại.

    Đến lúc này, gia đình cứ nghĩ anh bị dị ứng vội chạy chữa thuốc thang nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm mà còn nặng hơn. Cũng từ đó, anh ít khi soi khuôn mặt mình trước gương. “Thấy bạn bè cùng trang lứa lần lượt có gia đình, sinh con đẻ cái, tôi cũng mơ ước lắm chứ, nhưng ngoại hình xấu xí như tôi thì ma nào thèm để ý. Thôi thì đành chấp nhận vậy”. Những lời nói của anh nghe thật xót xa. Cũng là một kiếp người, vậy nhưng người đàn ông này lại phải chịu nhiều bất hạnh.

    Bệnh tật với những dị dạng trên người khiến anh bị hạn chế trong việc giao tiếp với mọi người. Anh còn nhớ như in kỷ niệm đáng sợ nhất của mình: “Lần đó, do có việc gấp, lại không nhờ được ai ra ngoài, nên tôi phải lết ra ngoài đường. Chỉ mới đi được một đoạn tôi đã bật khóc rồi quay về nhà khi mấy đứa trẻ hàng xóm hét choáng lên: “Mẹ ơi, con sợ ông chân voi có mặt quỷ”, anh Sáu đau đớn nhớ lại.

    Số phận nghiệt ngã người đàn ông chỉ dám ra ngoài…vào ban đêm
    Những khối u khắp người không những gây khó khăn trong việc sinh hoạt mà còn khiến anh tự ti với mọi người

    Cũng từ độ ấy, anh hạn chế ra ngoài. Nếu khi có việc cần anh trùm kín mặt rồi lết chân đi, nhiều khi anh lựa chọn phương án đi vào ban đêm, tránh va chạm với người khác. Cũng vì vậy, dù đã bước sang tuổi 45 nhưng anh rất ít giao tiếp với xã hội.

    Năm 2008, sau khi vay mượn được ít tiền, anh mới ra bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để chữa trị. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm bác sỹ thông báo anh bị u xơ thần kinh. Muốn chữa khỏi phải phẫu thuật nhiều lần và mỗi lần mổ chi phí là 20 triệu đồng. Nhưng nhà nghèo, lấy đâu ra số tiền đó nên anh Sáu đành ngậm ngùi ra về.

    Trước đây, anh Sáu còn làm được sào ruộng, nuôi ít con lợn con gà nhưng thời gian gần đây sức khỏe anh yếu hẳn, không làm được gì. Thương hoàn cảnh hai mẹ con, hàng xóm thỉnh thoảng cho chục trứng, con cá nhưng anh không dám ăn bởi vì ăn chất đạm vào u ở chân anh sưng to và đau nhức. Do đó, thân hình anh ngày càng gầy và xanh xao.

    Mất vợ vì quá nghèo

    Cách đây khoảng 20 năm, sau một trận ốm liệt giường, chồng bà Nguyên chết vì bệnh tật, để lại bà với đoàn con nheo nhóc. Một mình bà Nguyên phải cáng đáng gia đình, nuôi đoàn con nên người. Nghề nghiệp không có, những con người trong gia đình này chỉ biết trông chờ vào những thửa đất bạc màu. Mỗi vụ thu được vài tạ lúa, nhưng chừng đó thì thấm vào đâu cho chi phí sinh hoạt của gia đình chứ đâu nói đén tiền chữa bệnh cho con. Dù thương đứa con bất hạnh, nhưng bà đành nhắm mắt làm ngơ.

    Khoảng 10 năm trở lại đây, người phụ nữ này bỗng nhiên mắc chứng bệnh động kinh, bình thường thì không sao, những lúc lên cơn người mẹ già lại không kiểm soát được hành vi của mình. Nhiều hôm, bà hất tung cả tô cơm mà khó khăn lắm anh Sáu mới nấu được. Và đến khi tỉnh lại, bà lại lò mò chống gậy xuống nhà nhặt lại những hạt cơm đó bỏ vào miệng ăn.

    Số phận nghiệt ngã người đàn ông chỉ dám ra ngoài…vào ban đêm
    Ngôi nhà nhỏ nơi ba con người bệnh tật nương tựa vào nhau để sống.

    Những lúc tỉnh táo hiếm hoi, bà luôn đau đáu về hai đứa con bất hạnh của mình. “Thằng Sáu thì bệnh tật không biết khi mô mới chữa được, còn thằng Nghĩa cũng bỏ đi biệt xứ sau khi vợ bỏ đi sau ngày cưới. Tui già cả rồi nên không lo lắng nữa, chỉ lo cho tụi  nó thôi”, những tâm sự từ đáy lòng người phụ nữ điên trong lúc tỉnh táo nhất nghe mà xót xa.

    Được biết, em trai của anh Sáu là Lâm Văn Nghĩa (SN 1978) không được tỉnh táo lại hay ốm yếu nên cuộc sống cũng rất khó khăn. Cuối năm 2007, nhờ người mai mối, anh quen biết cô gái khác xã, lớn hơn hai tuổi tên là Nguyễn Thị Toan. Không lâu sau đó, họ chính thức nên vợ nên chồng (vào tháng 12/2007). Mọi người trong gia đình ai nấy đều vui mừng khi thấy người em vốn chịu nhiều thiệt thòi nay đã có người nâng khăn sửa túi.

    Vậy nhưng, niềm hạnh phúc đó nhanh chóng vụt tắt khi cô gái này đã cuốn gói ra đi sau khi thấy hoàn cảnh gia đình nhà chồng quá khó khăn. “Lần đó, em nó sốc lắm. Dù không thông minh như người ta, nhưng nó hết lòng thương vợ. Vậy mà vừa làm vợ chỉ đúng 7 ngày, cô ấy xin về nhà ngoại ít ngày nhưng thực ra là tìm cách bỏ trốn, sau đó bỏ đi miền Nam”, anh Sáu chua xót kể về chuyện buồn của em mình.

    Sau khi mất vợ, người đàn ông này cũng suy sụp hoàn toàn. Mấy ngày liền Nghĩa không ăn, không uống cũng chẳng nói gì cứ thui thủi trong góc nhà. Thời gian sau, nghe tin vợ mình bỏ đi miền Nam, anh cũng đi vào Đăk Lăk làm thuê cuốc mướn để quên đi chuyện buồn và cũng là giúp đỡ mẹ và anh trai chút đỉnh. Nghe đâu, cuối năm 2012, người vợ này đã đến nhà bà Nguyên xin giấy ly hôn rồi vào kết hôn với người đàn ông khác trong miền Nam.

    “Hiện nay, ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh Sáu nay đã hư hỏng nặng, đến mùa mưa nước chảy cả vào trong nhà Ai cũng thương cho hoàn cảnh gia đình nhà anh Sáu. Sức khỏe anh Sáu đã yếu hẳn không làm được nhiều, lại phải nuôi mẹ già bị bệnh động kinh. Người dân trong xóm cũng nghèo nên chỉ cho được lon gạo, bó rau cho mẹ con ăn qua ngày mà thôi”, ông Dương Đình Tuấn, trưởng xóm 11 cho biết.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-phan-nghiet-nga-cua-nguoi-dan-ong-chi-dam-ra-ngoaivao-ban-dem-a32593.html
    Nỗi đau của người lính già mắc bệnh lạ

    Nỗi đau của người lính già mắc bệnh lạ

    Gần 30 năm qua, người lính già vẫn đau đáu về căn bệnh lạ của bản thân. Thời chiến, ông xông pha trận mạc chẳng sợ gian khổ. Thế mà, ở thời bình, ngoại trừ nỗi đau thể xác thì nỗi đau tinh thần lại làm ông suy sụp.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nỗi đau của người lính già mắc bệnh lạ

    Nỗi đau của người lính già mắc bệnh lạ

    Gần 30 năm qua, người lính già vẫn đau đáu về căn bệnh lạ của bản thân. Thời chiến, ông xông pha trận mạc chẳng sợ gian khổ. Thế mà, ở thời bình, ngoại trừ nỗi đau thể xác thì nỗi đau tinh thần lại làm ông suy sụp.