Liên quan đến vụ gian lận thi cử THPT Quốc gia, đến nay sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình vẫn không công khai danh sách thí sinh. Đây là vấn đề khiến dư luận vô cùng bức xúc và cho rằng những sai phạm đang được bao che.
Trước đó, ngày 26/3, tại kỳ họp báo định kỳ quý I năm 2019 của bộ GD&ĐT, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, bộ GD&ĐT cho biết, quan điểm của Bộ là không dung túng cho sai phạm, và xử lý đến cùng. Còn việc công bố danh sách thí sinh gian lận còn phải theo quy trình điều tra của cơ quan công an, quyền riêng tư của cá nhân. Vì vậy, Bộ không trả lời danh sách từng cá nhân cụ thể.
Bên cạnh đó, sở GD&ĐT Hòa Bình chưa báo cáo, mặc dù đã có quy định ngày 25/3 sở GD&ĐT Hòa Bình phải báo cáo Bộ.
Về vấn đề này, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc công bố danh sách thí sinh hay không là thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên, cũng phải cân nhắc cả đến yếu tố nhân văn để các cháu còn con đường làm lại.
Trước sai phạm nghiêm trọng này, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên tại hệ thống Giáo dục Hocmai cũng cho rằng: “Việc không công khai danh tính các thí sinh đối với sai phạm nghiêm trọng này sẽ như một sai lầm tiếp nối.
Hiện nay, dư luận xã hội có nhu cầu biết về danh sách này, vì chính bộ Công an, bộ GD&ĐT vẫn chưa đưa ra hình thức xử lý nghiêm khắc, thậm chí các thí sinh vướng vào gian lận lại chỉ buộc thôi học đối với những thí sinh không đủ điểm chuẩn. Nhưng các thí sinh này lại được thi tiếp ngay trong năm nay thì chưa thực sự có tính răn đe.
Hiện nay, làn sóng dư luận trên mạng xã hội rất mãnh liệt, có nhiều, thể hiện sự minh bạch ở chừng mực nào đó để dư luận xã hội có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, phải có sự xử lý những phụ huynh liên quan”.
Gian lận thi cử ở Hòa Bình. |
Thầy Ngọc phân tích: “Với sự phát triển của mạng xã hội, những thông tin đó dù bị giấu cũng sẽ nhanh chóng bị lan ra trong cộng đồng, dư luận ở địa phương cũng đang đồn đoán rất nhiều, nên nếu Bộ hoặc Sở không muốn công khai các thí sinh thì cũng sẽ bị cư dân mạng tìm ra. Vậy tại sao không chủ động đưa ra những quyết định mang tính răn đe, để cả xã hội có thể đặt niềm tin vào bộ GD&ĐT?”.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cũng nhận định: “Sai phạm xảy ra trong bộ GD&ĐT thì Bộ trưởng phải đứng ra xử lý. Theo thông tin hiện nay từ phía Bộ, sở GD&ĐT Hòa Bình đang không chịu nêu danh tính.
Nếu các Sở không chịu công khai danh tính, mà Bộ yêu cầu phải công khai thì phải làm thật quyết liệt, chứ nếu cứ lặng im, người ta dễ hiểu rằng: bộ GD&ĐT đang đồng tình để che giấu sai phạm”.
Ông bày tỏ: “Theo quan điểm của tôi, đã sai phạm, thì có che giấu đến đâu, trước sau cũng sẽ biết. Vì vậy, tốt nhất, bộ GD&ĐT cùng các Sở nên chủ động công khai danh tính. Dư luận bức xúc khi không hề biết danh tính các thí sinh cho đến khi có quyết định xử lý và trả lại địa phương.
GS.TS Phạm Tất Dong. |
Phải chủ động đưa ra mới có thể chống tiêu cực được, một vụ tiêu cực nghiêm trọng như thế nếu bây giờ cứ tiếp tục “ém nhẹm” đi, thì đến bao giờ mới giải quyết được, những người gây ra sai phạm làm sao biết “chừa”. Theo tôi, chính những người muốn ém nhẹm đi cũng nên bị xử lý vì tội đồng lõa.
Trong cuộc “đốt lò” này, phải “đốt” người mang tiền mua điểm trước, tiếp đến là người đồng ý sửa điểm, rồi đến những người trong cuộc, biết mà “ém nhẹm” đi. Thí sinh cũng phải xử lý, xử lý đầu tiên là đuổi khỏi trường, để có sự răn đe. Trong vụ việc này, lỗi của các thí sinh có thể không nặng bằng phụ huynh, nên phải xử lý phụ huynh trước”.
“Với những gì đã xảy ra, về mặt kỹ thuật thì những “lỗ hổng” năm trước đã bị phát hiện và che lại thì năm nay nếu xảy ra sẽ phải ở một giai đoạn khác, kín kẽ hơn, tinh vi hơn. Thứ hai, xét về mặt tâm lý, những đối tượng có ý định, có khả năng sửa điểm chắc chắn cũng phải soi vào câu chuyện năm 2018 làm câu chuyện răn đe và sẽ có sự “chùn bước”. Nên sai phạm năm nay sẽ ít có cơ hội xảy ra”, giáo viên tại hệ thống Giáo dục Hocmai nhận định.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã từng nhấn mạnh: “Đây là một vụ việc hoàn toàn là tham nhũng. Có vấn đề chạy điểm, vi phạm quy chế thi. Do đó, phải công khai chứ không được độc quyền vi phạm. Các cơ quan pháp luật không được độc quyền vi phạm. Còn nếu không công khai thì coi là hành vi bao che cho vi phạm. Hành vi như vậy có thể coi là một dạng vi phạm”. “Không công khai thí sinh trong vụ gian lận điểm thi là vi phạm Luật Báo chí và Luật phòng chống tham nhũng. Thậm chí là vi hiến”, ông khẳng định. |
Cẩm Mịch
Theo Người Đưa Tin