Thông tin từ Vietnamplus, thời gian qua, tại TP.HCM xuất hiện nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh đề nghị xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh theo lớp tại các trường phổ thông nhằm tránh tình trạng lạm thu, đồng thời đề xuất cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học và tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức chiều 3/10, Sở GD&ĐT TP.HCM đã chia sẻ về các vấn đề trên.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ cha mẹ học sinh.
Trong Điều lệ, nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định như sau: "Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác” (Điều 4, Chương II).
Đồng thời, nguồn kinh phí hoạt động, quản lý và sử dụng cũng được quy định rõ: "Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường” (Điều 10, Chương II).
Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng căn cứ vào Điều lệ, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết, nhất là trong công tác phối hợp với nhà trường giáo dục toàn diện cho các em. Các nhà trường cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến để mỗi phụ huynh đều hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó phát huy được vai trò và nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh một cách tích cực và hiệu quả nhất, theo Vietnamnet.
Về việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết tại khoản 4 Điều 37 Chương V Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép."
Như vậy, khi học sinh tùy tiện sử dụng điện thoại di động trong giờ học sẽ khiến trẻ mất tập trung trong việc tiếp thu bài giảng. Nhưng nếu khai thác tính năng tương tác, tìm kiếm dữ liệu một cách tích cực, điện thoại di động sẽ là một công cụ hữu ích phục vụ cho mục đích nghiên cứu học tập của học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trong bối cảnh chuyển đổi số.
Để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục chỉ cho phép học sinh chỉ được sử dụng điện thoại di động trong giờ học khi được sự đồng ý hoặc có yêu cầu của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh.
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho hay các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đều thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học được thể hiện rõ trong nội quy, quy định của trường.
Về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong trường học, Sở GD&ĐT sẽ kết hợp với Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tiến hành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn, căng-tin các trường học trên toàn địa bàn Thành phố từ ngày 15/9/2024 đến ngày 31/10/2024.
Hoạt động kiểm tra sẽ đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở bếp ăn tập thể, căngtin, dịch vụ ăn uống trong trường học; từ đó tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.