Đấu thầu 417 triệu tiết kiệm được 3 nghìn đồng
Quá trình nghiên cứu luật Đấu thầu sửa đổi cũng như việc thực hiện pháp luật về đấu thầu ở nhiều đơn vị sở, ngành, PV nhận thấy thực trạng nhiều gói thầu giá trị lớn nhưng tỉ lệ tiết kiệm lại rất thấp. Từ đó khiến trách nhiệm tiết giảm ngân sách của các chủ đầu tư khó bảo đảm.
Có thể ví dụ trường hợp của sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh dưới đây.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bắc Ninh (số 5 Lê Văn Thịnh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) công bố kết quả của 196 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu theo gói thầu có KQLCNT hợp lệ là: 4.414.784.319.738 đồng. Trong hơn 4,4 nghìn tỷ đồng chi cho công tác đấu thầu thì có tới 98,48% là lĩnh vực xây lắp, còn lĩnh vực hàng hóa chiếm 1,52%.
Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh là chủ đầu tư của 133 KHLCNT, trong đó 100% tự mời thầu, không có đơn vị khác.
Nghiên cứu ngẫu nhiên của PV cho thấy, nhiều gói thầu do sở GD&ĐT Bắc Ninh làm bên mời thầu và chủ đầu tư đã không tiết kiệm được đồng nào cho ngân sách như: gói thầu số 08 trị giá 119,9 tỷ đồng do công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế trúng thầu; gói thầu số 11 trị giá 83,9 tỷ đồng về tay liên danh Thắng Lợi - Kinh Bắc - Long Hưng; liên danh Thắng Lợi – Kinh Bắc với 2 gói 47,8 và 24,9 tỷ đồng.
Ngoài liên danh, trong vai trò độc lập, công ty Thắng Lợi cũng “sở hữu” nhiều gói thầu có giá trị với tỉ lệ tiết kiệm là 0%, ví dụ như gói thầu số 3 giá trúng thầu 55,3 tỷ đồng, gói thầu số 20 giá trúng thầu 16,3 tỷ đồng, gói mua sắm thiết bị phòng học Lý Hóa Sinh trị giá 15,8 tỷ đồng, gói thầu số 18 có giá trúng thầu 9,8 tỷ đồng, gói thầu số 13 giá trị 6,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhà thầu Thắng Lợi cũng liên danh nhà thầu Long Hưng trúng những gói giá trị từ 13 đến 15 tỷ đồng cùng điệp khúc tiết kiệm 0 đồng.
Điệp khúc này xuất hiện ở 14 gói thầu mua sắm trực tiếp, kết quả là sở GD&ĐT Bắc Ninh đã chi 417.969.843.000 đồng (hơn 417 tỷ đồng) nhưng sau đấu thầu chỉ tiết kiệm được cho ngân sách số tiền hơn 3 nghìn đồng.
Nhà thầu thân quen, khi liên danh lúc thành đối thủ
Tìm hiểu sâu hơn danh sách các nhà thầu có quan hệ với sở GD&ĐT Bắc Ninh dễ dàng nhận thấy nhiều cái tên trở thành “gương mặt thân quen” vì tỉ lệ trúng gần như tuyệt đối so với số gói thầu tham gia.
Cụ thể: công ty Cổ phần Tư vấn, xây lắp Việt Nam (Mã số thuế: 0106048548, Địa chỉ giao dịch và trụ sở: số 9, tổ 3, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trúng 21/21 gói tư vấn lập hồ sơ mời thầu; công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển vật liệu mới công nghệ mới VSD (Mã số thuế: 0101629161; địa chỉ trụ sở: số 66 TT4 - KĐT thành phố Giao Lưu, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trúng 20/20 gói tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu;
Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Mã số thuế: 0101820129; địa chỉ trụ sở: số 69 phố Tuệ Tĩnh, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trúng 20/20 gói mua sắm thiết bị và chương trình đào tạo;
Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Thắng Lợi (Mã số thuế: 0100250363; địa chỉ trụ sở: số 83 Nguyễn Trường Tộ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) trúng 19/19 gói mua sắm;
Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Long Hưng (Mã số thuế: 0101925890; địa chỉ trụ sở: tập thể Xí nghiệp xây dựng cầu 202, khu Liên Cơ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) trúng 11/12 gói; công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển công nghệ Kinh Bắc (Mã số thuế: 0102978077; địa chỉ trụ sở: P601, tầng 6, tòa Sky City Tower, số 88 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) trúng 8/9 gói…
Không chỉ quen mặt, công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế và công ty Thiết bị giáo dục Thắng Lợi còn góp mặt trong “top” những nhà thầu có số gói thầu đạt tỉ lệ tiết kiệm thấp. Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế trúng thầu 747 tỷ đồng, tiết kiệm được 6,6 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 0,89%; công ty Thắng Lợi trúng thầu 894,7 tỷ đồng cũng chỉ tiết kiệm được cho chủ đầu tư 6,7 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 0,74%.
Đáng chú ý, nhà thầu Long Hưng và nhà thầu Kinh Bắc nhiều lần “song kiếm hợp bích” liên danh trúng các gói thầu có giá trị tại sở GD&ĐT Bắc Ninh, trong đó có cả những gói tiết kiệm 0 đồng, tạo thành một mối quan hệ “khăng khít”, keo sơn.
Minh chứng cho quan hệ bằng hữu thân thiết này là 7 lần 2 nhà thầu đã có sự bắt tay nhau hợp tác ở các gói: gói thầu số 4, 11, 19, hai gói thầu số 5, và hai gói mua sắm thiết bị bàn ghế phòng học (chi tiết trong bảng dưới đây).
Thế nhưng, mối quan hệ gắn bó tưởng keo sơn ấy lại bị phá bỏ vào năm 2021, cả hai tách nhau ra và cùng phối kết hợp với các nhà thầu khác tạo thành liên danh mới để đấu đầu ở gói thầu số 03 mua sắm cho giáo dục mầm non của sở GD&ĐT Lạng Sơn.
Kết quả lần đối đầu này, liên danh Long Hưng và công ty TNHH một thành viên công nghệ Thăng Long Việt đã chiến thắng liên danh Kinh Bắc và công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hòa Bình.
Nhìn vào bảng nhà thầu Long Hưng và nhà thầu Kinh Bắc trong mối quan hệ thân thiết ở trên cũng có thể thấy, khi góp mặt liên danh trong 7 gói thầu tổng trị giá 242,7 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm được cho chủ đầu tư sở GD&ĐT Bắc Ninh vỏn vẹn 1,45 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 0,6%. Hơn 1 nửa trong số đó (4/7 gói) có giá trị tiết kiệm bằng 0 đồng và 2.000 đồng.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, chủ đầu tư ngoài việc sáng suốt phê duyệt lựa chọn được nhà thầu đáp ứng đầy đủ yêu cầu về năng lực và chất lượng thì còn có trách nhiệm bảo đảm cho ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương hoặc ngân sách đơn vị mình quản lý được sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm tối đa. Nếu tỉ lệ tiết kiệm trong đấu thầu quá thấp thì trách nhiệm tiết giảm ngân sách này khó được đảm bảo.
Còn như nhìn nhận của nhiều luật sư, tỉ lệ tiết kiệm rất thấp thì rõ ràng là chưa đạt được mục tiêu là hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu theo quy định của luật Đấu thầu.
“Hiện tượng nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, hay một số nhà thầu “quen mặt” với bên mời thầu rất có khả năng tồn tại các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Việc đấu thầu tỉ lệ tiết kiệm thấp sẽ gây thất thoát rất lớn cho ngân sách Nhà nước”, luật sư Dương Văn Phúc (đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế) nhận định.
Quang Thiện - Dương Thu