(ĐSPL)- Sau một tuần cân cảm biến đi vào hoạt động tại đường cao tốc TP. HCM- Long Thành- Dầu Giây, lượng xe lưu thông đã giảm đến gần 20\% so với trước đây.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được thông xe toàn tuyến vào ngày 8/2 sẽ giúp kéo giảm ùn tắc và tăng kết nối giữa TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Dài 55 km, tuyến đường có 5 nút giao với nhiều nhánh dẫn lên xuống và nhiều hướng lưu thông.
Phát hiện 900 xe quá tải trong tuần đầu tiên sử dụng cân cảm biến
Cân cảm biến bắt đầu đưa vào hoạt động ở cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hôm 20/7 nhằm thực hiện việc kiểm soát tải trọng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trong 3 ngày đầu, đơn vị quản lý tuyến cao tốc ghi nhận có gần 900 xe quá tải đi qua, tuy nhiên các tài xế chỉ bị cảnh cáo.
Từ ngày 23/7, lượng xe quá tải qua tuyến này giảm hẳn. Trong ngày đầu tiên, có 5 xe buộc quay đầu xe vì chở quá tải trọng từ 26-61\%. Mỗi ngày sau đó là khoảng 15 xe, có trường hợp vượt mức cho phép trên 120\%.
"Có một số tài xế không đồng ý, tỏ thái độ bất bình và không tin vào kết quả của hệ thống cân cảm biến. Tuy nhiên, sau khi được mời vào làm việc và nghe phân tích, họ đã đồng ý quay đầu xe ra khỏi đường cao tốc", bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho hay.
Theo VEC E, sau một tuần triển khai cân tải trọng, xe tải từ 18 tấn trở lên và container 40 feet giảm đến gần 20\% so với trước đây.
Chỉ sau một tuần đầu tiên đưa cân cảm biến vào sử dụng, đã phát hiện có 900 xe quá tải đi qua. |
"Việc này ảnh hưởng đến việc thu phí, tuy nhiên thà mất đi một phần khách hàng còn hơn là cho xe quá tải đi qua dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông và chất lượng kết cấu công trình", bà Phương nói và cho biết việc cân tải trọng bằng "cân tàng hình"sẽ tiếp tục được thực hiện hàng ngày trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây trong thời gian tới.
Theo bà Phương, khó khăn hiện nay là cân cảm biến chỉ mới được lắp đặt ở một làn nên nhân viên phải đứng đầu trạm cân chặn xe tải, có thể xảy ra nguy hiểm.
"Từ đầu năm sau, khi gói thầu thông minh của dự án đường cao tốc hoàn thành, cân cảm biến sẽ được lắp đặt trên các làn xe. 100\% xe đi qua trạm đều được cân tự động thì việc kiểm soát tải trọng sẽ dễ dàng thực hiện hơn", Phó giám đốc VEC E cho hay.
Cân cảm biến tự động truy cập internet lấy thông tin để đưa ra kết luận
Hệ thống cân tự động ở cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là công nghệ của Thụy Sỹ với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Cân gồm 4 thanh cảm biến bằng thạch anh được đặt dưới nền đường, khi bánh xe đi qua hệ thống cân sẽ tạo ra một mức điện áp. Sau đó điện áp này được khuếch đại và phân tích thành số liệu cụ thể về tải trọng của xe hiển thị trên màn hình với sai số 5\%.
Sau khi đi qua hệ thống cân, xe chạm vào vòng từ kích hoạt, hệ thống camera đọc biển số xe. |
Do thanh cảm biến thạch anh được chôn kín dưới mặt đường, xe đi qua cân không nhận ra nên có ưu điểm là không sợ bị đào xới hoặc hư hại. Thanh cảm biến và lớp keo dán dưới mặt đường cứng hơn bêtông nên xe đi qua cũng không làm mòn cân. Công nghệ thạch anh còn được cho là có ưu điểm không bị phụ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm của môi trường nên mức sai số là duy nhất và luôn ổn định.
Sau khi đi qua hệ thống cân, xe chạm vào vòng từ kích hoạt, hệ thống camera đọc biển số xe. Khi 2 bánh sau cùng của xe đi qua vạch cân sẽ kết thúc một phiên kiểm soát tải trọng. Kết quả là hình ảnh xe, biển số xe và số tải trọng xe hiện lên trên màn hình. Dựa trên biển số xe, hệ thống sẽ tự động truy cập Internet lấy thông tin về đăng kiểm để đưa ra kết luận xe có quá tải hay không.
Chi phí thi công trạm cân khoảng 2 tỷ/một trạm. Ở Việt Nam, công nghệ cảm biến thạch anh được sử dụng ở trạm thu phí IC 17 trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1 ở Quảng Bình và quốc lộ 14 ở Đắc Nông.
Thế giới hiện có 04 công nghệ cân động phổ biến gồm: Cảm biến thạch anh, Piezo-elcectric, Bending plate và Loadcell. Trong đó, công nghệ cảm biến thạch phù hợp với nhiều loại hình thái thời tiết, tốc độ xe có thể dao động từ 1km/h đến 230km/h nên được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Với mức độ chính xác cao và không bị các thủ thuật phá hoại của một số lái xe, đây được xem là giải pháp phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]rpCp6SlshI[/mecloud]