Số trường hợp tiêm phòng dại gia tăng
Bệnh dại là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng ở não và dây thần kinh. Bệnh thường bị bắt từ vết cắn hoặc vết xước của động vật bị nhiễm bệnh, thường là chó. Dại là một trong số căn bệnh truyền nhiễm có thể tỷ lệ tử vong cao nhất.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai vừa báo cáo liên tiếp 2 ca nhân viên thú y bị chó dại cắn vào ngày 11/2 và 21/2. Sau khi cắn, những con chó đều có biểu hiện co giật rồi chết, theo Tri Thức Trực Tuyến.
Các nạn nhân đều đã được tiêm vaccine và huyết thanh ngừa dại cũng như theo dõi y tế sát sao. Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng lập tức điều tra và xử lý ổ dịch chó dại tại địa phương và các nơi có liên quan.
Tại Cần Thơ, chỉ riêng Trung tâm Y tế quận Ô Môn đã ghi nhận 61 trường hợp tiêm phòng dại chỉ trong thời gian 2 tuần (17/2-3/3). Trong đó, số lượng người đến tiêm vaccine do chó cắn là 52, mèo cắn là 9. Đa số trường hợp bị cắn vào tay (20 người), chân (37 trường hợp), còn lại là các vị trí khác.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Lào Cai, trong 2 tháng đầu năm, địa phương này ghi nhận hơn 200 trường hợp đi tiêm phòng dại do bị chó, mèo cào, cắn. Điều đáng nói là nhiều động vật sau khi cắn người đã lên cơn dại và chết.
Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, cũng cho biết trong tháng đầu năm nay, các trung tâm tiêm chủng của đơn vị này tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên ghi nhận số lượng người tiêm phòng dại rất cao, tăng gần 300% so với cùng kỳ tháng cuối năm 2022.
Đáng chú ý, tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.HCM chỉ trong 1 tháng đã ghi nhận hơn 5.000 lượt tiêm vaccine dại, tăng 25% so với tháng 12/2022 và tăng 400% so với tháng 11/2022.
Tại TP.HCM, trong đợt Tết vừa qua, nhiều người đi chơi Tết bị chó mèo và các vật nuôi tấn công, cắn, cào cấu phải đi tiêm phòng dại.
Theo thống kê mới nhất của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong tháng 1, đơn vị này ghi nhận 6.540 lượt tiêm phòng vaccine dại và 5830 ca trong tháng 2. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 220-250 người đến tiêm vaccine, 70-80% là tiêm phòng dại.
Đối với khu vực Hà Nội, trong nửa đầu tháng 1, phòng tiêm chủng Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận 99 trường hợp bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng dại.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2022, cả nước ghi nhận 70 người tử vong do bệnh dại tại 25 tỉnh, thành phố, tăng 5 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 4 địa phương có số ca tử vong nhiều nhất gồm Bến Tre (13 ca), Kiên Giang (5 ca), Nghệ An (5 ca) và Quảng Bình (5 ca).
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 4 ca tử vong trên người tại 3 tỉnh Lào Cai (1 ca), Quảng Ninh (1 ca), Gia Lai (2 ca).
Báo cáo cập nhật của địa phương cho thấy từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 39 ca bệnh dại trên động vật tại 13 tỉnh, thành phố, theo số liệu từ Cục Thú y.
Nguyên nhân khiến dịch bệnh dại gia tăng
TS Phan Văn Minh - Trưởng phòng dịch tễ Cục thú y TP.HCM cho hay, một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch bệnh dại gia tăng là do tổng đàn chó, mèo của cả nước gần 7 triệu con, trong đó tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình rất thấp, đạt khoảng 40%. Chỉ 13 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn.
Chưa kể, chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vaccine dại. Hiện công tác quản lý đàn chó của một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa thành lập đội chuyên trách xử lý các trường hợp chó thả rông.
Bên cạnh đó, các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vaccine dại cho chó theo quy định chưa được áp dụng.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại cũng còn hạn chế, chưa phong phú. Hệ thống thú y cơ sở còn thiếu nhân lực, nhân viên chưa được tập huấn về chuyên môn thường xuyên.
TS Phan Văn Minh nói: “Thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, ngược lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. Nguy cơ dịch bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới là rất cao”.
Để khẩn trương kiểm soát các ổ dịch bệnh dại trên động vật đang xảy ra, phòng ngừa các ổ dịch mới phát sinh và lây lan, trong thời gian tới cần tập trung các nguồn lực để thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định của Luật Thú y, theo thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM.
Thùy Dung(T/h)