Các con số thống kê về dịch COVID-19 trên toàn cầu đã lập cột mốc mới, với tổng cộng hơn 39 triệu ca nhiễm và 1,1 triệu trường hợp tử vong.
Theo dữ liệu thời gian thực trên trang worldometers, tính đến 9h ngày 16/10 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 39.152.334 ca nhiễm và 1.102.425 trường hợp tử vong do đại dịch COVID-19, tăng lần lượt 398.609 và 6.107 ca so với cùng thời điểm ngày hôm trước.
Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 8.212.610 ca nhiễm và 222.684 người chết, tăng lần lượt 65.518 và 877 ca so với một ngày trước đó.
Wisconsin và các bang khác ở Trung Tây nước Mỹ đang phải gồng mình đối phó với sự gia tăng số ca mắc COVID-19, với số ca mắc mới và nhập viện tăng lên mức kỷ lục. Đây là một dấu hiệu đáng ngại về sự bùng phát trở lại dịch bệnh ở Mỹ khi thời tiết ngày càng lạnh hơn.
Vùng dịch lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ, báo cáo thêm 60.365 ca nhiễm và 833 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 7.365.435 và 112.144.
Dù số ca nhiễm tại Ấn Độ tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Bộ Y tế nước này vẫn chỉ ra dấu hiệu tích cực là tỷ lệ khỏi bệnh đã tăng gần 100% trong tháng trước. Thêm vào đó, hơn 6,3 triệu người đã bình phục. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán Ấn Độ có thể vượt Mỹ về mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở Mỹ Latinh, và là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 27.888 ca mắc và 681 ca tử vong, nâng tổng số lên 5.169.386 ca bệnh và 152.460 ca tử vong. Tiếp đến là Colombia với 936.982 ca mắc và 28.457 ca tử vong. Peru ghi nhận 856.951 ca mắc và 33.512 ca tử vong. Mexico ghi nhận 829.396 ca mắc và 84.989 ca tử vong.
Nga ghi nhận thêm 286 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 23.491, trong khi số ca nhiễm tăng 13.754, lên 1.354.163. Giống như nhiều quốc gia ở châu Âu, Nga đang chứng kiến ca nhiễm tăng khi thời tiết lạnh trở lại.
Hôm 14/10, Nga đã cấp phép cho vaccine COVID-19 thứ hai, có tên EpiVacCorona, do viện Vector phát triển. Viện Vector đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một với EpiVacCorona từ tháng trước, với sự tham gia của 100 tình nguyện viên, từ 18-60 tuổi. 40.000 tình nguyện viên trên khắp nước Nga sẽ tiếp tục tham gia thử nghiệm vaccine này.
Châu Âu đang chứng kiến dịch bệnh tái bùng phát tại nhiều quốc gia trong khu vực. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Còn tại châu Âu, trong bối cảnh số ca mắc gia tăng, Giám đốc WHO phụ trách châu Âu cho biết, cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và dự đoán sẽ có nhiều ca tử vong hơn trong thời gian tới.
Tây Ban Nha một lần nữa lại trở thành tâm dịch của châu Âu. Nước này ghi nhận tổng số 972.958 ca mắc, trong đó có 33.553 ca tử vong. Tây Ban Nha hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu, hiện đang đứng thứ 5 thế giới về số ca mắc.
Pháp ghi nhận thêm 30.621 ca nhiễm COVID-19, mức tăng hàng ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số lên 809.684 ca, trong đó 33.125 người chết, tăng 88 trường hợp. Theo ước tính, các bệnh nhân sẽ sớm lấp đầy toàn bộ giường chăm sóc tích cực tại hệ thống bệnh viện ở Paris.
Đức ghi nhận thêm trên 7.000 ca mắc mới, số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại nước này. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức tính đến nay là hơn 348.800 trường hợp, trong đó có hơn 9.800 người tử vong.
Tại Trung Quốc, nhà chức trách hôm qua cho biết gần 10 triệu người ở thành phố Thanh Đảo đã phải xét nghiệm Covid-19 trong nỗ lực dập dịch của một chương trình xét nghiệm lớn. Phó thị trưởng Luan Xin cho biết hơn 9,9 triệu mẫu xét nghiệm đã thu về và 7,6 triệu mẫu có kết quả nhưng không có ca mắc mới. Thành phố này hiện xác nhận 13 ca mắc và nhân viên y tế tiếp tục hoàn thành xét nghiệm cho 9,4 người dân và 1,5 triệu khách vào hôm nay - chỉ 5 ngày sau khi chương trình xét nghiệm bắt đầu.
Khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện là một trong những điểm nóng dịch bệnh với tổng số ca mắc lên tới 349.160 ca sau khi ghi nhận 4.411 ca mắc mới, buộc chính quyền tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực.
Trong khi đó, Philippines đứng thứ 2 với 348.698 ca mắc và 6.497 ca tử vong. Cả 2 quốc gia này đều nằm trong top 20 nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 28 người chết và 57.892 ca nhiễm, tăng ba ca. Họ đang đưa ra các chương trình thí điểm đi lại và kích cầu kinh tế sau khi đã kiềm chế được dịch.
Hoa Vũ (T/h)