Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới đang dần tiến triển theo xu hướng tích cực dù tổng số ca nhiễm đã vượt mốc 110 triệu người.
Theo dữ liệu thời gian thực trên trang thống kê worldometers, tính đến 9h ngày 18/2 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 110.419.584 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.439.849 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, thống kê về COVID-19 trên thế giới đang có những dấu hiệu tích cực. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật đến hết ngày 16/2, toàn thế giới trong tuần qua ghi nhận 2,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, giảm 16% so với tuần trước đó. Số ca tử vong cũng giảm 10% xuống còn 81.000 ca.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca nhiễm mới trên toàn cầu đã giảm gần một nửa so với mức hơn 5 triệu ca trong tuần từ ngày 4/1 và đây cũng là tuần thứ năm liên tiếp số ca nhiễm trên thế giới giảm liên tục. Con số này cho thấy hiệu quả của các biện pháp y tế cộng đồng.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn biến tích cực nhờ các biện pháp y tế cộng đồng. Ảnh minh họa |
Mỹ vẫn là nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh với 28.453.526 ca nhiễm và 502.544 ca tử vong, tăng lần lượt 71.640 và 2.537 ca so với cùng thời điểm ngày hôm trước.
Dù bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực, Mỹ vẫn ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Giới chuyên gia cũng lo ngại nếu nước này buông lỏng cảnh giác, đặc biệt trong bối cảnh các biến chủng SARS-CoV-2 mới đang hoành hành, một đợt bùng phát khác có thể xảy ra.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine COVID-19, bất chấp mức độ lây nhiễm nghiêm trọng trong lực lượng này. Thông tin được Thiếu tướng Jeff Taliaferro tiết lộ trong phiên điều trần của Quốc hội hôm 17/2. Bộ Quốc phòng Mỹ không bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 vì các vaccine chưa nhận được sự chấp thuận đầy đủ từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm Mỹ (FDA).
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 12.440 ca nhiễm và 89 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 10.949.546 và 156.038.
Chính phủ Ấn Độ, nước sở hữu năng lực sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hôm qua cho biết họ sẽ tăng gấp 5 lần số điểm tiêm chủng vaccine Covid-19, sau khi tiêm gần 9 triệu liều trong một tháng. Do giới chức đặt mục tiêu tiêm phòng cho 300 triệu người trong số 1,35 tỷ dân vào tháng 8, hoạt động này sẽ phải tăng cường đáng kể.
60% trong số gần 10 triệu nhân viên y tế Ấn Độ đã được tiêm kể từ khi chiến dịch tiêm chủng khởi động vào ngày 16/1. Ấn Độ dự kiến tiêm cho toàn cộng đồng từ tháng sau, bắt đầu với nhóm trên 50 tuổi hoặc có bệnh lý nền.
Tình hình dịch bệnh cũng đang tiến triển theo xu hướng tích cực tại các nước châu Âu.
Nga ghi nhận thêm 12.828 ca mắc mới COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 10/10/2020. Tuy nhiên, Nga vẫn gia hạn lệnh cấm đối với các chuyến bay đến và đi từ Vương quốc Anh cho đến ngày 16/3/2021.
Trong khi đó tại Anh, hơn 16 triệu người đã tiêm liều vaccine COVID-19 thứ nhất sau hơn hai tháng khởi động chương trình tiêm chủng. Giới chức Anh tuyên bố sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người trên 50 tuổi vào tháng 5 và tất cả người trưởng thành vào tháng 9.
Bên cạnh đó, Anh cũng trở thành nước đầu tiên trên thế giới cho phép các tình nguyện viên phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu y tế. Trong cuộc thử nghiệm sắp bắt đầu trong vòng 1 tháng tới, 90 tình nguyện viên khỏe mạnh, trong độ tuổi từ 18-30, sẽ được phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 trong môi trường an toàn và có kiểm soát để các nhà nghiên cứu có thêm hiểu biết về cách thức virus này lây lan cho con người.
Anh ngày hôm qua ghi nhận thêm 12.718 ca nhiễm và 738 người tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên lần lượt là 4.071.185 và 118.933.
Tại châu Á, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 17/2 cho biết nước này có thêm 621 ca nhiễm mới, cao nhất trong hơn một tháng qua, làm dấy lên những lo ngại nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong bối cảnh nước này vừa nới lỏng các quy tắc giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc.
Theo KDCA, hàng loạt vụ lây nhiễm tập thể tại các cơ sở tôn giáo, bệnh viện và nhà máy công nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng ca nhiễm mới tăng trở lại và điều này cũng đặt ra những thách thức mới đối với công tác phòng dịch, đặc biệt sau khi xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Nhật Bản đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, bắt đầu với các nhân viên viên y tế trước khi mở rộng chủng ngừa cho người cao tuổi và những đối tượng có bệnh lý nền.
Theo kế hoạch, chương trình tiêm chủng giai đoạn đầu sẽ được tiến hành đối với 40.000 nhân viên y tế tại 100 bệnh viện trên toàn Nhật Bản. Mục đích là ưu tiên đảm bảo an toàn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và đánh giá mức độ an toàn của vaccine trước khi phổ cập tiêm chủng toàn dân.
Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn đang chứng kiến tốc độ lây lan nhanh. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất, với số ca tử vong lên tới trên 33.500 người.
Chính phủ Indonesia đã yêu cầu người dân bắt buộc phải tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và cho phép tư nhân tham gia chiến dịch tiêm chủng cho 181,5 triệu người trong vòng 15 tháng để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 553.424 ca nhiễm và 11.577 ca tử vong, tăng lần lượt 1.184 và 53 ca.
Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp. Lo ngại gia tăng khi những lô vaccine COVID-19 đầu tiên dự kiến đến nửa cuối năm nay mới tới nước này.
Hoa Vũ (T/h)