Reuters đưa tin ngày 17/3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia cho biết quốc gia của ông sẵn sàng cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không S-300 nếu NATO chuyển bù cho họ thiết bị khác để lấp chỗ trống.
Ukraine đã kêu gọi các quốc gia phương Tây hỗ trợ phòng không để giúp đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga tại nước này, hiện đã bước sang tuần thứ tư.
"Chúng tôi đã thảo luận với Mỹ, Ukraine và các đồng minh khác về khả năng triển khai, gửi hoặc chuyển giao S-300 cho người Ukraine và chúng tôi sẵn sàng làm như vậy", Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad phát biểu trong một cuộc họp báo.
Bộ trưởng Nad nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng làm điều đó ngay lập tức nhưng chỉ khi có phương án bù đắp phù hợp". Ông Slovakia cho biết, Slovakia sẽ cung cấp S-300 cho Ukraine nếu NATO bù đắp cho Slovakia.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từ chối cho biết liệu quốc gia này có thể sẵn sàng "lấp đầy khoảng trống hay không".
"Tôi chưa thể đưa ra tuyên bố nào ngay lúc này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với đồng minh về các vấn đề đó. Tất nhiên, đó không phải vấn đề của riêng Mỹ, đó là vấn đề của NATO", ông Austin nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16/3 đã công bố hỗ trợ an ninh bổ sung lên tới 800 triệu USD cho Ukraine, bao gồm vũ khí để đối phó với máy bay và xe tăng Nga.
Tuy nhiên, các loại hình phòng không được triển khai ở Slovakia rất được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy săn đón.
Thành viên NATO Slovakia có một tổ hợp hệ thống phòng không S-300, kế thừa từ thời Liên Xô sau khi Tiệp Khắc tan rã năm 1993.
Sắp tới, Slovakia dự kiến sẽ tiếp nhận các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot theo kế hoạch triển khai nhằm tăng cường binh lực của NATO ở sườn Đông của liên minh quân sự này. Tuy vậy, Slovakia cho rằng, việc triển khai đó là chưa đủ, hơn nữa các hệ thống Patriot cũng không thực sự thuộc quyền sở hữu của nước này để phục vụ cho nhu cầu bảo vệ lãnh thổ.
S-300 là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổ hợp NPO Almaz nghiên cứu phát triển, được Liên Xô triển khai lần đầu vào cuối những năm 1970. S-300 được sử dụng để đánh chặn các phương tiện tập kích đường không như máy bay, tên lửa có cánh và tên lửa hành trình.
Các phiên bản gần đây, S-300 còn có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, máy bay tiêm kích tàng hình, các mục tiêu bay thấp... Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự thế giới, S-300 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không đánh chặn hiệu quả nhất thế giới hiện nay.
Bích Thảo(Theo Reuters)