+Aa-
    Zalo

    Sinh Vật Cảnh Việt Nam: Chặng đường 30 năm từ một thú chơi nhân văn đến một ngành kinh tế sinh thái.

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐS&PL) Sáng ngày 13/5/2019, các đại biểu về dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam (13/5/1989 - 13/5/2019)

    (ĐS&PL) Sáng ngày 13/5/2019, các đại biểu về dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam (13/5/1989 - 13/5/2019) đã vào thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và dâng hương báo công trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại về chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành của Hội và phát huy những giá trị Tết Trồng cây do Người phát động đúng 60 năm về trước (28/11/1959 - 28/11/2019).

    Đại biểu dự Lễ kỷ niệm dâng hương báo công trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm quan khu di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh 

    Nhân dịp này, đại diện đại biểu về dự lễ kỷ niệm và những người làm công tác Sinh Vật Cảnh của Thủ đô Hà Nội đã đến dâng hương tri ân tưởng nhớ nhiều vị tiền bối cách mạng sáng lập Hội và cố Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên lãnh đạo Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam giai đoạn (1997 - 2017) tại Công viên Mai Dịch.

    Đại diện đại biểu về dự lễ kỷ niệm và những người làm công tác Sinh Vật Cảnh của Thủ đô Hà Nội dâng hương tưởng niệm cố Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên lãnh đạo Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam giai đoạn (1997 - 2017) tại Công viên Mai Dịch. 

    Tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, các đại biểu đã phát biểu ôn lại những truyền thống quý báu của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam qua 30 năm xây dựng và trưởng thành và ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ từ một thú chơi văn hóa của ông cha đến một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao.

    Từ truyền thống sống hài hòa với thiên nhiên, yêu Sinh Vật Cảnh có tự ngàn đời của dân tộc đến phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động ngày 28/11/1959 là khởi nguồn cho ngành kinh tế sinh thái Sinh Vật Cảnh giàu tiềm năng hiện nay.

    Mùa xuân 1989 tại trụ sở Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại số 46 phố Tràng Thi - Hoàn Kiếm - Hà Nội đã diễn ra cuộc họp mặt đầu tiên của Ban Vận đồng thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam gồm hơn 20 vị lão thành cách mạng và một số nhân sĩ trí thức yêu văn hóa Sinh Vật Cảnh. Tại cuộc gặp mặt, Ban Vận động đã nhất trí xin phép Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hội Đồng Bộ trưởng cho phép thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam.

    Hơn 100 đại biểu và đại diện một số Bộ, Ban ngành về dự Lễ kỷ niệm

    Theo đó, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ về sinh vật cảnh, góp phần xây dựng văn hóa, cảnh quan, sinh thái, môi trường. Tôn chỉ mục đích của Hội là tập hợp rộng rãi công dân và tổ chức Việt Nam tham gia các hoạt động nhằm giữ gìn, phát triển, nâng cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân trong lĩnh vực sinh vật cảnh, kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài, góp phần tích cực vào việc: Bảo vệ và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh. Hội lấy hoạt động trọng tâm là phát triển văn hóa, môi trường, kinh tế và xã hội thông qua hoạt động vi Sinh Vật Cảnh...

    Lễ kỷ niệm đã tri ân các vị lão thành, nguyên lãnh đạo Hội các cấp có nhiều đóng góp cho tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh

    Ngày 13/5/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 134/CT về việc cho phép thành lập Hội Sinh vật cảnh Việt Nam. Sau đó, Ban Bí thư phân công: Đồng chí Nguyễn Thọ Chân- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng làm Chủ tịch lâm thời của Hội; đồng chí Phạm Văn Kiết - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Chủ tịch Thường trực; Đồng chí Ngô Luân làm Tổng thư kí của Hội. Đồng thời tạm thời lấy Mặt trận là nơi làm việc của Hội, Văn phòng Mặt trận là nơi trực tiếp giúp đỡ các mặt hoạt động của Hội. Đây được xác định là Đại hội lần thứ nhất của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.

    Lễ Kỷ niệm cũng đã ghi nhận những đơn vị dẫn đầu phong trào Sinh Vật Cảnh Việt Nam

    Tại thời điểm đó, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam là một trong những tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tiên được thành lập sau Đại hội VI của Đảng có ý nghĩa sâu sắc, là nơi tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân, các chức sắc tôn giáo, những nhân sự, thủ lĩnh các dân tộc thiểu số…nên đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện hoạt động.

    Tiếp nối truyền thống đó, là sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị lão thành cách mạng qua các thời kỳ như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt...

    Đến nay, tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã được hình thành ở 6.062 xã, phường thị trấn, 406 huyện, thành thị và 56/63 tỉnh, thành phố; đã tập hợp, thu hút trên 356.510 hội viên, 4.600 doanh nghiệp và trên 11.000 chủ nhà vườn Sinh Vật Cảnh. Hội có 56 thành viên là Hội Sinh vật cảnh các tỉnh thành phố, tập hợp 356.510 hội viên, 4.600 doanh nghiệp và trên 11.000 chủ nhà vườn sinh vật cảnh. Ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn đã xác định hoạt động Sinh Vật Cảnh là một nghề trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn cần được bảo tồn, phát triển.

    Đồng chí Nguyễn Duy Quý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm

    "Để có được những kết quả to lớn đó, trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đảo Đảng, Nhà nước, MTTQ qua các thời kỳ; sự hướng dẫn tâm huyết của các vị lão thành cách mạng tiền bối, đông đảo các nhân sĩ, trí thức, lãnh đạo Hội các cấp, các nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nhân qua các thời kỳ. Đặc biệt là sự cống hiến của hơn 20 vị lão thành cách mạng tiền bối sáng lập Hội, các vị nguyên Chủ tịch Hội qua các thời kỳ: Đồng chí Nguyễn Thọ Chân - Chủ tịch Hội khóa I, Đồng chí Nguyễn Văn Trân - Chủ tịch Hội khóa II, III; Đồng chí Đỗ Phượng - Chủ tịch Hội khóa IV, V...", Đồng chí Nguyễn Duy Quý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm.

    Tư liệu Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam

    Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, chúng ta tự hào về Hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận tổ quốc các cấp. Hội SVC Việt Nam tự hào đoàn kết, gắn bó hội viên và người lao động đã chăm lo, gìn giữ và nâng cao pgiá trị văn hóa truyền thống trên một đất nước đa dạng sinh thái; giữ gìn tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên môi trường nước ta trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Từ một thú chơi văn hóa truyền thống trở thành một ngành kinh tế Sinh Vật Cảnh giá trị cao, là một trong 7 ngành kinh tế quan trong trong phát triển nông thôn thu hút trên 4 triệu lao độngvà đóng góp tích cực trong kim ngạch xuất khẩu ngành hàng Rau, Hoa, Quả, Cây cảnh với giá trị trên 4 triệu USD.

    Vương Xuân Nguyên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sinh-vat-canh-viet-nam-chang-duong-30-nam-tu-mot-thu-choi-nhan-van-den-mot-nganh-kinh-te-sinh-thai-a275289.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.