+Aa-
    Zalo

    Sinh con một bề là gái được hỗ trợ tiền: Có giảm "cơn khát con trai"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dự thảo luật Dân số đang được tiếp tục đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Đặc biệt, điểm đáng chú ý của dự thảo là hỗ trợ tiền cho gia đình sinh toàn gái.

    (ĐSPL) - Dự thảo luật Dân số đang được tiếp tục đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Đặc biệt, một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh toàn con gái, hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội.

    Trái ngược với quan điểm cho rằng điểm này là nhân văn, có sức lan toả, không ít chuyên gia về dân số, Đại biểu Quốc hội và chính các gia đình sinh con lại không đồng tình với đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con một bề là gái…

    Mới đề xuất- “ông ngoại” đã “tâm tư”

    Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang “nóng” hơn bao giờ hết. Để động viên, khuyến khích, giúp những người sinh con gái yên tâm phần nào, bộ Y tế, đơn vị chủ trì soạn thảo luật Dân số đã đưa vào dự thảo việc hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh toàn con gái, hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội.

    Chưa tính đến số tiền mà Nhà nước phải lo cho các phụ huynh sinh con gái một bề, bản thân nhiều ông bố có hai con gái đã rất “tâm tư” với điểm đề xuất này trong dự thảo.

    Anh Nguyễn Mạnh Hải, nhân viên một công ty thang máy tại Hà Nội, cha của hai bé gái xinh xắn cho biết: “Thực sự, bản thân hai vợ chồng tôi không nghĩ ngợi nhiều chuyện sinh toàn gái. Tuy nhiên, hai hôm nay tôi đã nhận nhiều “động viên” kiểu như “ông ngoại” có thất nghiệp cũng không phải lo nhé!.

    Tự nhiên, tôi lại thấy “tâm tư””. Theo dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ, nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ “dư thừa”, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang xảy ra cả ở thành thị và nông thôn, nhiều vùng địa lý.

    Hình ảnh minh họa.

    Kết quả điều tra biến động dân số kế hoạch hóa gia đình năm 2011 của Tổng cục Thống kê qua các lần sinh, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam đều ở mức cao và đều mất cân bằng. Lần thứ nhất: 109,7 và lần thứ 3 trở lên rất cao: 119,7.

    Theo thống kê, tỉ số giới tính khi sinh cao ở ngay lần sinh thứ nhất cho thấy khát vọng có con trai là rất mãnh liệt và các bà mẹ đã sớm lựa chọn giới tính của con ngay lần mang thai đầu tiên. Điều này khác với các nước, thường có tỉ số giới tính khi sinh cao ở lần sinh cuối.

    Ví dụ Hà Nội 6 tháng đầu năm theo thống kê tỉ số giới tính khi sinh là 115 bé trai trên 100 bé gái. Đặc biệt có quận huyện như Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất tỉ số giới tính là 120/100.

    Chuyển nhà vì sinh toàn... con gái?

    Câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn Việt (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) lại là một điển hình cho “sức mạnh” vô hình của dòng tộc, làng xóm từ chuyện sinh con gái một bề.

    Anh Việt làm nghề xây dựng, vợ anh làm việc cho một công ty của Hàn Quốc. Trước khi chuyển nhà về Dịch Vọng, hai vợ chồng anh chị đã có một căn nhà 4 tầng ngay tại Nhổn (Hà Nội).

    Tuy nhiên do chuyện thi thoảng phải nghe những lời nói “bóng gió” của họ hàng về chuyện con gái, con trai, vợ anh Việt quyết tâm chuyển nhà đi chỗ khác thay vì sống gần bố mẹ. “Hai vợ chồng tôi phải vay thêm gần một tỉ đồng để có tiền mua đất và xây nhà ở một nơi khác. Nơi mà hàng ngày, vợ tôi không phải nghe chuyện liên quan đến sinh con một bề”, anh Việt tâm sự.

    Trao đổi về đề xuất, bác sỹ Lê Thị Kim Dung, trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, đề xuất này cũng rất nhân văn, tuy nhiên việc thực hiện không phải dễ. Và thậm chí nhiều người còn thấy đó là sự phân biệt đối xử, là bất bình đẳng nhưng ở thời điểm tỉ lệ mất cân bằng giới tính cao như hiện nay, việc cho tiền, hỗ trợ tiền là “cực chẳng đã”.

    Đặc biệt là ở nông thôn ít nhiều phụ nữ họ cũng bớt tủi hơn. Việc không có con trai vẫn là một “gánh nặng” với phụ nữ. Thực tế, không có một điều gì mà trọn vẹn, hoàn hảo, tốt đẹp ở mọi khía cạnh được”.

    GS. TS NGUYỄN ĐÌNH CỬ, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VIÊN DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM: Hỗ trợ có đủ làm dịu “cơn khát con trai”? GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học, viện Dân số gia đình và Trẻ em đặt câu hỏi về dự thảo luật Dân số đưa hỗ trợ tiền cho các gia đình sinh con gái.

    “Thứ nhất, Nhà nước có “đủ sức” để hỗ trợ cho hàng chục vạn ca sinh lần thứ hai là con gái hay không? Hai là, khoản hỗ trợ này có đủ làm dịu “cơn khát con trai” của những cặp vợ chồng bảo thủ hay không?”.

    Một trong những nguyên nhân làm tăng sự chênh lệch giới tính khi sinh đó chính là sự phát triển của kỹ thuật siêu âm. Với sự phát triển của máy móc, kỹ thuật hiện nay việc xác định giới tính của thai nhi trở nên rất dễ dàng. Nhiều cặp vợ chồng đã sử dụng kỹ thuật siêu âm để lựa chọn giới tính cho thai nhi.

    Thực tế phản ánh, tình trạng phá thai ngày một nhiều hơn, trong đó có nguyên nhân các ông bố bà mẹ sẵn sàng từ bỏ thai nhi khi không thoả mãn giới tính của con mình. Chúng ta đã có luật nghiêm cấm tuy nhiên việc thực thi luật cần phải được chú ý hơn. Ở Hàn Quốc nếu cơ sở nào vi phạm để lộ giới tính của thai nhi sẽ bị phạt mức tiền tương đương khoảng 200 triệu đồng Việt Nam. Trong khi đó mức phạt của chúng ta hiện nay còn nhẹ mới 3 đến 7 triệu đồng”.

    BÀ TRẦN THỊ TỐ TÂM, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH QUẬN BA ĐÌNH, HÀ NỘI: Giải pháp để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính? Bà Trần Thị Tố Tâm cho rằng, dự thảo đưa vấn đề Nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho các cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội là một giải pháp để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

    Các giải pháp phải đồng bộ. Thực tế, việc “trọng nam khinh nữ” là xâu chuỗi một loạt tác động về tư tưởng, truyền thống. Tôi không bác bỏ đề xuất này, tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, giải pháp đưa ra để giảm thiểu việc mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ nên nghiêng về trợ cấp, bởi nó chưa thực sự khiến những người sinh con gái một bề cảm thấy được trân trọng, động viên và nó cũng không tôn vinh được vị thế của người phụ nữ trong xã hội.

    Tôi cho rằng cần phải đưa được nội dung khuyến khích, tôn trọng người phụ nữ vào luật. Ví dụ như chế độ thai sản, học phí cho các cháu là gái… mang tính chất khuyến khích, ưu đãi chứ không chỉ mang tính chất trợ cấp xã hội thì nó lại mang tính chất phân biệt đối xử.

    ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, TS.TRỊNH NGỌC THẠCH, PHÓ CHỦ NHIÊM ỦY BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CỦA QUỐC HỘI: Cần cân nhắc kỹ khi đưa điểm này vào Luật Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch thẳng thắn cho biết: “Cá nhân tôi cho rằng việc hỗ trợ tiền cho các gia đình sinh con một bề như đề xuất của dự thảo luật Dân số là chưa ổn và với Việt Nam là chưa phù hợp lắm.

    Việc hỗ trợ này vô tình có thể khiến các gia đình được thụ hưởng có thể cảm thấy bị tủi thân và với các gia đình sinh con trai thì là bất bình đẳng. Theo tôi, cần cân nhắc kỹ trước khi đưa điểm này vào Luật. Có thể việc ưu tiên với các gia đình sinh con gái bằng một chính sách nào đó hợp lý hơn là đưa vào Luật. Vì nó tạo ra sự phản cảm trong xã hội phân biệt giới tính giữa nam và nữ quá nặng!”.

    ĐBQH TRẦN NGỌC VINH, UỶ VIÊN UỶ BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI: Tôi không ủng hộ đề xuất này ĐBQH Trần Ngọc Vinh thẳng thắn khẳng định: “Tôi không ủng hộ đề xuất này. Con trai hay con gái đều bình đẳng như nhau trước pháp luật. Nếu như dự thảo luật Dân số đề xuất sinh con gái được hỗ trợ một khoản tiền nào đó là điều không nên.

    Bởi, nó không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong quan niệm về giới mà đôi khi lại khiến chính những gia đình sinh con gái cảm thấy “tự ti”. Có thể gia đình sinh toàn con trai sẽ không vui vì bị phân biệt về chế độ chính sách, còn gia đình sinh con gái cũng chưa chắc đã mong muốn được hỗ trợ như vậy”. Dự thảo luật Dân số đang được tiếp tục đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

    Đặc biệt, một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh toàn con gái, hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Trái ngược với quan điểm cho rằng điểm này là nhân văn, có sức lan toả, không ít chuyên gia về dân số, Đại biểu Quốc hội và chính các gia đình sinh con lại không đồng tình với đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con một bề là gái…

    Anh Đức- Đỗ Thơm

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]Ycg40gVpLJ[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sinh-con-mot-be-la-gai-duoc-ho-tro-tien-co-giam-con-khat-con-trai-a113367.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.