Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình.
Chiều 17/10, tại cuộc họp báo do Bộ Y tế tổ chức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số- kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân cho biết, lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhạn định nếu duy trì chính sách giảm sinh quá lâu sẽ để lại những hệ lụy rất khó giải quyết. Do đó công tác dân số được chuyển hướng sang giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số.
Ông Tân cho rằng, đến nay Việt Nam không có quy định pháp luật nào khống chế người dan sinh bao nhiêu con, nhưng có chính sách vận động mỗi gia đình sinh 2 con, trừ nhóm đảng viên.
"Sinh bao nhiêu con là quyền của người dân. Nhà nước không yêu cầu người dân sinh bao nhiêu, nên không có chuyện giờ nới quy định cho phép sinh nhiều hơn”, ông Tân khẳng định.
Theo ông Tân, khảo sát mới nhất của ngành dân số trên 700.000 người dân, kết quả 73% trả lời muốn sinh 2 con; 8,3 % mong muốn đẻ một con. Có 9,3 % ý kiến muốn sinh 3 con và hơn 8% muốn nhiều hơn 3 con. Kết quả này cho thấy vẫn còn tỷ lệ đáng kể người dân muốn sinh thêm nhiều con, do đó vẫn có thể nâng tỷ lệ sinh lên cao hơn. Ông Tân cho rằng, trước mắt Việt Nam sẽ không thực hiện giảm sinh mà duy trì mức sinh thay thế để đảm bảo tới năm 2030, quy mô dân số đạt khoảng 104 triệu người.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: VnExpress |
"Từ nghị quyết T.Ư 4 khóa VII năm 1993 đến nay, về mặt luật pháp, Nhà nước không có quy định khống chế số con, nhưng có chính sách vận động mỗi gia đình nên có 1-2 con, ngoại trừ đảng viên thì năm 2008 quyết định 94 của T.Ư Đảng nêu kỷ luật mức cảnh cáo với đảng viên sinh con thứ 3, khai trừ đảng viên sinh con thứ 4. Năm 2013 có “nới” theo hướng giảm mức phạt: đảng viên sinh con thứ 3 bị khiển trách, con thứ 4 cảnh cáo và con thứ 5 bị khai trừ.
Còn lại không có quy định khống chế số con trong mỗi gia đình nên không có bãi bỏ, sinh bao nhiêu con là quyền của người dân. Nếu có rà soát là rà soát các quy định với đảng viên, trước đây có đề nghị là bãi bỏ ngay các quy định xử lý kỷ luật đảng viên sinh từ con thứ 3, nhưng sau khi được Hội nghị T.Ư 6 vừa qua góp ý thì chúng tôi đã đề nghị từng bước sửa đổi các quy định hiện có, theo hướng không xử phạt đảng viên sinh con thứ 3, thứ 4 nếu họ có mong muốn ấy", ông Tân cho hay.
Cũng theo ông Tân, pháp lệnh dân số không quy định phạt người sinh con thứ 3, thứ 4, nhưng thực tế vẫn còn 7 địa phương có việc “phạt”.
Tại cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình cho hay, một hạn chế lớn trong công tác dân số suốt 25 năm qua là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng nhanh và ở mức nghiêm trọng. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2016 là 115/100, điều đáng nói là không chỉ tập trung ở một vùng mà lan rộng ra nhiều tỉnh thành. Dù vậy, Dự thảo Nghị quyết dân số đưa ra mục tiêu năm 2030, Việt Nam sẽ đưa tỉ số giới tính khi sinh về con số 109/100.
Vùng mất cân bằng nhiều nhất là đồng bằng sông Hồng (khoảng 70-100 km xung quanh Hà Nội )với tỉ lệ từ 115 - 122 bé trai/100 bé gái. Như tại các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới khi sinh là tập quán ưa thích con trai theo truyền thống Nho giáo để có con nối dõi; lạm dụng kỹ thuật y học tiến tiến để lựa chọn giới tính khi sinh; chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, bố mẹ khi về già. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân do hạn chế mức sinh.
Ông Tân cho rằng, cho rằng phải cả hệ thống chính trị vào cuộc thì mới giải quyết được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Chính sách khuyến khích sinh con; không giảm sinh; thay đổi quy định với nhóm đảng viên; các giải pháp về kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh cho người cao tuổi… sẽ là động lực giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Hoàng Yên