An toàn, sạch sẽ, hiệu quả, trung lập - các nhà quan sát nói rằng đây là một trong những lý do chính khiến Singapore trở thành quốc gia tổ chức hội nghị Mỹ - Triều Tiên.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ diễn ra ở khách sạn Capella, đảo Sentosa. Ảnh: SCMP |
Theo SCMP, nhiều người còn cho rằng, Singapore đang dần trở thành “Geneva của châu Á”.
Tính trung lập truyền thống của Geneva cho đến bây giờ đã trở thành địa điểm ưa thích cho các cuộc đàm phán ngoại giao cao cấp. Tình trạng đó bắt đầu từ năm 1864, khi Geneva đăng cai tổ chức một cuộc họp của các quốc gia châu Âu về việc ký kết Công ước Geneva.
Các hội nghị lớn khác được tổ chức tại Geneva bao gồm cuộc họp năm 1955 của Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp, hội nghị thượng đỉnh năm 1985 giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, và cuộc họp năm 1994 giữa các quan chức từ Washington và Triều Tiên.
Gần đây, Geneva đã tổ chức nhiều vòng đàm phán hòa bình Syria liên quan đến chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad và các nhóm đối lập.
Đảo quốc sư tử gần như đã hoàn thành chuẩn bị cho sự kiện lịch sử được mong chờ - cuộc họp cấp cao chính thức đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Singapore cũng rất kín đáo về công tác hậu cần của chuyến thăm, cho dù là đối với khách sạn ở trung tâm thành phố, nơi các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ lưu trú và tại địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh trên đảo Sentosa.
Hôm 6/6, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã trấn an cả truyền thông rằng đất nước ông đã sẵn sàng "phục vụ cà phê và trà" cho các nhà lãnh đạo.
Ông Oh Ei Sun, người nghiên cứu chính sách đối ngoại khu vực, cố vấn cấp cao tại Viện Chiến lược và Lãnh đạo Châu Á cho biết, sự tự giác, tự chủ, làm việc độc lập đã giúp Singapore trở thành lựa chọn hàng đầu cho các cuộc đàm phán quan trọng bậc nhất. "Đây chính xác là kiểu người chơi tuyệt vời nhất và họ cũng không xâm nhập quá sâu đến sự kiện. Họ chỉ hòa giải khi được kêu gọi một cách rõ ràng bởi một hoặc cả 2 bên liên quan", ông Oh nói.
Singapore đã nhấn mạnh rằng họ không cố gắng tìm cách tổ chức sự kiện này. ông Balakrishnan nói chính phủ của ông đã được Washington tiếp cận trước, và sau đó là Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao của đảo quốc sư tử sau đó tuyên bố sẵn sàng chào đón phái đoàn Mỹ và Triều Tiên với “vòng tay rộng mở”.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Singapore 3 năm sau cuộc họp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (2015), được xem là sự ghi nhận đối với Singapore trong vai trò một quốc gia trung lập ngang bằng với Thụy Sĩ.
Đảo quốc sư tử đang dần trở thành trung tâm ngoại giao của châu Á. Ảnh: Getty |
Singapore có một lịch sử ngắn hơn nhiều vì đến năm 1965, đảo quốc sư tử mới trở thành một nước cộng hòa độc lập nhưng dần dần, họ đã tiếp cận "tầm cỡ", trở thành “Geneva của phương Đông", giáo sư Lawrence Loh tại Đại học Quốc gia Singapore đánh giá.
Singapore cũng tự hào về chính sách đối ngoại “tối đa hóa số bạn bè” - được sáng lập bởi cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo SCMP)