(ĐSPL) – Đại diện siêu thị điện máy Pico thừa nhận đã bán máy tính lỗi cho khách hàng, tuy nhiên đây chỉ là nhầm lẫn chứ không cố ý lừa bán.
Siêu thị Pico cố tình lừa bán máy cũ thành máy mới?
Theo đơn trình bày của anh Hoàng Minh Đức (Thanh Xuân – Hà Nội), ngày 27/1, anh có tìm đến siêu thị điện máy Pico 76 Nguyễn Trãi (Công ty Cổ phần Pico) để hỏi mua laptop phục vụ mục đích công việc.
Chiếc máy tính anh Minh Đức mua tại siêu thị Pico Nguyễn Trãi. |
“Tôi mua máy tính với giá tiền là máy mới, nhân viên bán hàng của siêu thị cũng khẳng định đây là máy mới vừa được lấy trong hộp ra. Tuy nhiên khi tôi mang sản phẩm về dùng thì phát hiện đây là máy cũ, bị lỗi, khách hàng trước đã đến trả lại Pico.” – anh Minh Đức cho biết.
Theo anh Đức, siêu thị Pico đã cố tình lấy máy cũ rồi bọc nilon như mới và lừa bán cho khách hàng.
Anh Đức sau đó đã đem sự việc khiếu nại tới đến siêu thị điện máy Pico 76 Nguyễn Trãi thì nhân viên tiếp tục khẳng định: “Cửa hàng không bán máy cũ và không lừa khách hàng”.
Sau khi anh Đức cung cấp bằng chứng thì siêu thị Pico đề nghị anh gửi trả máy tính bị lỗi để đổi mới cho khách hàng. Tuy nhiên anh Đức không đồng ý.
Trao đổi với PV, anh Đức cho biết: “Tôi có bằng chứng khẳng định đây là máy bị lỗi, khách hàng trước đã đến trả lại Pico. Họ đã dùng nilon bọc lại như mới để bán cho tôi. Tôi muốn thông tin điều này đến mọi người để cảnh báo những khách hàng khác cảnh giác khi mua hàng tại Pico, tránh mua phải hàng kém chất lượng”.
Siêu thị Pico thừa nhận bán hàng lỗi cho khách
Liên quan tới sự việc, bà Vũ Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Pico xác nhận và cho biết, sự việc của khách hàng Hoàng Minh Đức đã được giải quyết.
Bà Huệ cho hay, sản phẩm anh Đức mua thực chất là hàng lỗi được khách hàng trước đó đổi trả để sửa chữa. Tuy nhiên, quá trình các nhân viên nhập lại hàng đã “vô tình để máy lỗi vào lẫn với máy mới” nên dẫn tới tình trạng bán nhầm cho anh Đức.
Phiếu kiểm tra sửa chữa cho thấy laptop là hàng lỗi đã được đổi trả bảo hành. |
Bà Huệ khẳng định: “Siêu thị Pico một ngày bán hàng chục nghìn sản phẩm, việc sơ xuất là không tránh khỏi.”
Cũng theo vị Giám đốc Marketing, siêu thị Pico không lừa khách hàng, đây thực chất chỉ là nhầm lẫn.
“Đây là máy lỗi đã được khách hàng cũ mang trả bảo hành, vì vậy trong đó vẫn còn lưu phiếu kiểm tra sửa chữa và xác định là máy lỗi. Việc anh Minh Đức phát hiện ra máy lỗi cũng từ phiếu kiểm tra sửa chữa này mà ra. Chúng tôi nếu muốn lừa khách hàng thì tại sao lại để phiếu này ở lại trong máy.” – bà Vũ Thị Ngọc Huệ cho biết.
Bà Huệ cho hay, siêu thị đã giải quyết ổn thỏa với khách hàng, theo đó, anh Minh Đức đã đồng ý trả lại sản phẩm và nhận một khoản tiền đền bù từ siêu thị.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác như sau: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: a)Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; 2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng. 3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng. 4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng. 5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. 6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng. 7. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng. 8. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng. 9. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. 10. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng. 11. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; 12. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. 13. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 12 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Là lương thực, thực phẩm; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc chữa bệnh cho người, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; b) Là chất tẩy rửa, diệt côn trùng, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi; c) Thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. 14. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; b) Tịch thu phương tiện vi phạm là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này; 15. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; b) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.” |