Thông tin do Mỹ thu thập cho thấy tên lửa hành trình “không giới hạn” sử dụng động cơ hạt nhân mới của Nga chưa từng được thử nghiệm thành công.
Báo cáo của tình báo Mỹ gần đây cho biết từ tháng 11/2017 đến tháng 2 năm nay, Nga đã tiến hành 4 cuộc thử nghiệm với tên lửa Sarmat (mẫu tên lửa hành trình có tầm tấn công không giới hạn và sử dụng động cơ hạt nhân) nhưng lần nào tên lửa này cũng bị rơi ngay sau khi xuất phát, CNBC ngày 21/5 đưa tin.
Hình ảnh xuất hiện trong video giới thiệu về ICBM RS-28 Sarmat được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố hôm 1/3. - Ảnh: Stripes. |
Thông tin trên mâu thuẫn với phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3. Trong thông điệp liên bang 2018, ông Putin tuyên bố Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tấn công bất cứ khu vực nào trên thế giới. Cũng theo ông chủ Điện Kremlin, tên lửa này có thể xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ.
“Đặc tính phòng vệ của bệ phòng và hiệu suất năng lượng lớn sẽ cho phép tên lửa hoạt động hiệu quả trong bất kỳ điều kiện cũng như tình huống thực tế. Trong khi Voyevoda chỉ có tầm bay 11.000 km thì hệ thống mới có khoảng cách không giới hạn. Tên lửa mới có khả năng tấn công mọi mục tiêu ở cả Bắc và Nam Cực. Sarmat là một loại vũ khí đáng sợ và có đặc tính kỹ thuật đặc biệt, nên không có hệ thống ABM nào có thể đánh chặn nó”, ông Putin từng phát biểu.
Tổng thống Vladimir Putin từng khẳng định Nga sở hữu tên lửa có phạm vi tấn công không giới hạn. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, tình báo Mỹ cho biết trong các lần thử nghiệm, hành trình xa nhất của mẫu tên lửa này chỉ là 35 km, thời gian bay chỉ diễn ra trong hai phút trước khi tên lửa mất kiểm soát và đâm xuống đất. Chuyến bay thử nghiệm ngắn nhất kéo dài 4 giây với quãng đường bay 8 km.
Theo một số nguồn tin, quy trình hoạt động của dòng tên lửa này là sử dụng động cơ chạy bằng nhiên liệu để phóng lên, trước khi chuyển sang động cơ hạt nhân. Tuy nhiên, các kỹ sư Nga đã liên tiếp thất bại trong việc kích hoạt động cơ hạt nhân, quả tim của “siêu tên lửa”, khiến nó không thể thực hiện được hành trình bay không giới hạn như thông tin của truyền thông nước này.
Các kỹ sư của dự án này đã phản đối việc đưa "siêu tên lửa" vào thử nghiệm bởi nó vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng các quan chức cấp cao ở Điện Kremlin vẫn ra lệnh tiến hành các cuộc phóng thử.
Tuy nhiên, tình báo Mỹ cũng thừa nhận một “siêu vũ khí” khác của Nga là thiết bị phóng trượt siêu thanh (HGV) dùng động cơ hạt nhân Avangard đã trải qua hai cuộc thử nghiệm thành công vào năm 2016 và nhiều khả năng sẽ chính thức đi vào hoạt động ngay từ năm 2020.
Với vận tốc hơn gấp 20 lần vận tốc âm thanh, cụ thể là 25.000 km/giờ và độ cơ động cực cao, Avangard có thể đánh bại mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất hiện nay.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)