(ĐSPL) - Mượn danh bác sĩ, Hải tìm đến nhà các nạn nhân đặt vấn đề cần tìm mua nhà và chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng từ 25 nạn nhân.
Theo báo Thanh niên, ngày 26/12, thông tin từ Cơ quan CSĐT, Công an TP.Cần Thơ cho biết, sau hơn 2 tháng (1/10) khởi tố, bắt tạm giam Võ Thanh Hải (37 tuổi, ngụ số 11/2E, đường Hoàng Văn Thụ, P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo đơn tố cáo của nhiều nạn nhân trên địa bàn TP.Cần Thơ. Bước đầu, Cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ có gần 25 nạn nhân đã bị Hải dùng thủ đoạn đặt cọc mua nhà để đem thế chấp ngân hàng rồi chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.
Hải tại Cơ quan điều tra - Ảnh: báo Thanh niên |
Báo Giao thông đưa tin, từ thông tin bán nhà đăng tải trên báo chí, Hải đã tìm đến nhà các nạn nhân xưng là “ bác sĩ ” để đặt vấn đề mua nhà cho mình, người thân, bạn bè …
Khi thỏa thuận mua bán nhà, Hải không cần mặc cả, chủ nhà ra giá bao nhiêu Hải mua bấy nhiêu. Điều kiện Hải đưa ra là đặt cọc trước từ 40-50% giá trị căn nhà. Sau khi nhận cọc xong chủ nhà phải ra công chứng làm thủ tục sang tên trước cho Hải hoặc người thân của Hải. Hải cam kết khi giấy tờ hoàn tất, Hải sẽ đem thế chấp ngân hàng căn nhà trên để vay tiền trả phần còn lại cho chủ nhà.
Tuy nhiên sau khi chủ nhà đồng ý ra công chứng mua bán xong thì Hải liền đem căn nhà trên thế chấp ngân hàng lấy tiền mà không trả phần còn lại cho chủ nhà và chiếm đoạt để sử dụng cho mục đích cá nhân.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn xác định, Hải còn dùng thủ đoạn như trên để lừa vay tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng và vay tiền với lãi suất từ 30-60%/tháng của dân “cho vay nặng lãi” với tổng số tiền lên đến hơn 80 tỉ đồng
Lúc bị khởi tố (tháng 10/2016) Hải là sinh viên năm 3 hệ đại học liên thông lớp bác sĩ đa khoa tại trường Đại học Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang).
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)