+Aa-
    Zalo

    "Siêu" gạo chữa bách bệnh: Đừng tin lời quảng cáo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các loại “siêu” gạo này được bán tại nhiều nơi ở Hà Nội, tại các cửa hàng, một số siêu thị, ngoài chợ và trên một số trang mạng.

    Các loại “siêu” gạo này được bán tại nhiều nơi ở Hà Nội, tại các cửa hàng, một số siêu thị, ngoài chợ và trên một số trang mạng. Chúng được các đại lý, người bán quảng cáo như những phương thuốc thần kỳ, khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”.

    Quảng cáo một cách quá mức

    Thông tin trên báo VietQ, trên thị trường hiện nay có hàng tá thương hiệu gạo gạo thảo dược như: gạo Hoa Sữa, gạo Hạt ngọc trời, gạo mầm Vibigaba, gạo lứt đen, gạo lứt đỏ, gạo huyết rồng, gạo Quế Lâm, gạo Hoàng Gia… Thời gian gần đây, những lời đồn thổi về khả năng chữa bách bệnh của loại gạo này đã khiến nhiều người tìm đến gạo giống như “cứu cánh”.

    Các loại “siêu” gạo này được bán tại nhiều nơi ở Hà Nội, tại các cửa hàng, một số siêu thị, ngoài chợ và trên một số trang mạng. Chúng được các đại lý, người bán quảng cáo như những phương thuốc thần kỳ, khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”.

    Tuy chưa rõ công dụng thực hư nhưng gạo thảo dược đã được thổi giá cao gấp nhiều lần so với các loại gạo thường trên thị trường. Theo khảo sát, giá một kg gạo thường trên thị trường có giá 10.000-26.000đ/kg thì gạo mầm có giá từ 65.000-200.000đ/kg tùy loại, tùy cửa hàng.

    Tại các cửa hàng nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất hộ gia đình, các sản phẩm gạo thảo dược có nhãn mác nhưng không có chứng nhận an toàn của cơ quan chức năng. Các sản phẩm được rang, đóng gói theo phương pháp thủ công, chất lượng và độ an toàn của hàng hóa đều dựa trên sự tin tưởng và lời giới thiệu của người bán hàng.

    Chị H, chủ cửa hàng gạo tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đon đả nói với phóng viên: “Chị thấy mọi người bảo gạo thảo dược có chức năng chữa nhiều loại bệnh. Gần đây thấy báo chí đưa tin ầm ĩ về thực phẩm bẩn, rồi khách hỏi nhiều nên chị mới nhập về bán”.

    Các loại “siêu” gạo này được bán tại nhiều nơi ở Hà Nội, tại các cửa hàng, một số siêu thị, ngoài chợ và trên một số trang mạng. (Ảnh minh họa).

    Theo quan sát, đại lý này vừa bán buôn, vừa bán lẻ nhiều chủng loại gạo thảo dược. Nhiều loại gạo được đóng trong các túi nhỏ với trọng lượng khác nhau, dễ dàng cho người mua lựa chọn. Cũng có nhiều loại gạo bày ra các chậu nhôm lớn, phía trên có một tấm biển nhỏ bằng bìa catton ghi giá thành/kg.

    Bằng mắt thường có thể thấy, các loại gạo này có hạt to gấp rưỡi gạo bình thường. Đặc điểm khác biệt nhất đó là chúng không phải màu trắng, trong như gạo thường mà hầu hết đều có màu tím, một số khác có màu xanh nước biển. Một đầu của các hạt gạo này lộ ra màu trắng.

    Tại một cửa hàng gạo ở chợ Nghĩa Đô, Cầu Giấy, người bán hàng ra sức quảng cáo, ăn gạo lứt huyết rồng ngoài việc giúp phòng chống các bệnh về tim mạch, đường ruột thì loại gạo này còn có tác dụng chống lại các bệnh xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và tiểu đường.

    Trong khi đó, gạo hữu cơ Hoa Sữa được một chủ cửa hàng kinh doanh gạo tại chợ Bưởi (Tây Hồ) quảng cáo với những công dụng thần kỳ như: “Gạo có tác dụng phòng chống và hỗ trợ điều trị bệnh, như hạ chỉ số đường huyết, chỉ số mỡ máu…”, dù trên bao bì sản phẩm không hề nêu công dụng như vậy.

    Thậm chí, người này còn “mách nước”, nếu mua gạo với nhu cầu chữa bệnh thì có thể nói qua về sức khỏe của người nhà, sẽ được giới thiệu loại gạo phù hợp với người bệnh.

    Tại một cửa hàng trong ngõ nhỏ phố Thái Hà, Hà Nội, chủ cửa hàng khẳng định gạo lứt chữa được nhiều bệnh, trong đó có ung thư. Cô cho biết, mẹ chồng cô mắc rất nhiều bệnh như ung thư, đau khớp.. Khi chúng tôi đề nghị được gặp bà cụ thì cô chủ lảng tránh, nói rằng bà cụ ít tiếp xúc với người lạ và việc đi lại của bà cụ cũng gặp nhiều khó khăn.

    Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được một số chủ cửa hàng quảng cáo một loại gạo có xuất xứ từ Nhật Bản, được gọi với cái tên gạo lứt Japonica nảy mầm hữu cơ có chức năng điều hòa huyết áp, giảm mệt mỏi, giúp ngủ sâu, tăng trí nhớ và hỗ trợ tim mạch!

    Nhiều chủ cửa hàng gạo còn mạnh miệng quảng cáo gạo “dược liệu” có công dụng giống như một loại thực phẩm chức năng chữa được bệnh tiểu đường và cả ung thư (?). Vì vậy, giá loại gạo này cũng cao gấp nhiều lần so với gạo thường.

    Trong đó, gạo mầm đen gaba hữu cơ có giá cao nhất là 200.000 đồng/kg, các sản phẩm gạo dược liệu còn lại cũng có giá giao động từ 70.000-100.000 đồng/kg. Một số chủ cửa hàng giới thiệu các loại gạo khác có xuất xứ từ Nhật Bản.

    Loại này được giới thiệu là gạo lứt Japonica nảy mầm hữu cơ, có chức năng điều hòa huyết áp, giảm mệt mỏi, giúp ngủ sâu, tăng trí nhớ và hỗ trợ tim mạch (?). Những lời quảng cáo thần kỳ đó đã làm cho gạo dược liệu trở nên “sốt sình sịch” trên thị trường, khiến người tiêu dùng đổ xô tìm kiếm dù giá gạo khá “chát”.

    Thực hư ra sao?

    Thông tin trên báo Sức khỏe gia đình, GS Nguyễn Lân Hùng (Tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam) cho biết, gạo lứt có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng anthocyanin lớn nên được thị trường châu Âu rất ưa chuộng.

    Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố cho thấy chất anthocyanin trong các loại gạo “dược liệu” là hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quý, khả năng chống ôxy hóa cao, có tác dụng làm giảm và phòng ngừa xơ vữa mạch máu, ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2…

    Tuy vậy, việc loại gạo “dược liệu” có khả năng chữa bệnh ung thư hay không thì vẫn chưa có tài liệu hay công trình nào trên thế giới nghiên cứu và chứng minh. Việc đồn thổi công dụng loại gạo này thực chất chỉ phục vụ mục đích đẩy giá lên cao để trục lợi của một số tiểu thương, từ đó lan rộng ra khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng và mù quáng chạy theo.

    Gạo thảo dược thực ra chỉ là cách gọi để chỉ những loại gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các loại gạo thông thường.

    GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam giải thích: Gạo thảo dược thực ra chỉ là cách gọi để chỉ những loại gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các loại gạo thông thường. Các loại gạo này thường có hàm lượng chất dinh dưỡng cao như các vitamin A, B (B1, B2, B6), lipit, chất xơ, chống loãng xương...

    Thực tế, ngoại trừ loại gạo vàng (golden rice), loại gạo được biến đổi gen để chứa beta-carotene là tiền tố của vitamin A (hiện nay loại gạo này cũng chưa phổ biến), thì hầu hết các giống lúa cho ra gạo được gọi là "gạo thảo dược" ở nước ta đều không phải là những giống lúa được sản xuất theo những công thức đặc biệt nào mà thực chất đều là những giống lúa địa phương có từ lâu đời như gạo nếp cẩm, gạo đỏ, giống gạo hạt tròn trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc...

    Đây đều là những giống lúa đã có từ lâu, có điều ngày trước nó chưa được khoác lên mình cái tên mỹ miều là gạo thảo dược. Thời gian gần đây, ở một số địa phương người ta phát triển những giống lúa địa phương rồi gắn mác thảo dược và quảng cáo rầm rộ như giàu chất chống oxy hoá anthocyanins, giàu calsium và chất xơ, chất sắt, có chứa nhiều vitamin và khoáng chất...

    Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lúa, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết: Việc gọi là gạo thảo dược thực ra chỉ là cách gọi theo kiểu "tát nước theo mưa" chứ thực chất các giống lúa này đã có từ rất lâu như gạo nếp cẩm, gạo đỏ... Từ xa xưa, ông cha ta đã biết về công dụng của các loại gạo này. Vì thế mà ngày xưa các cụ vẫn có câu "bị phù nề ăn gạo nếp cẩm xay".

    Thông tin trên báo Kiến thức, các chuyên gia cho biết, phải thừa nhận rằng, những loại gạo hiện được gọi bằng cái tên thảo dược chỉ có thêm một số chất dinh dưỡng so với gạo thông thường, nhưng không có chức năng chữa bệnh. Chúng chỉ đóng vai trò như là thực phẩm chức năng bổ sung những chất mà cơ thể còn thiếu.

    Theo GS.VS Trần Đình Long, dĩ nhiên khi ăn các loại gạo này thì tốt vì có hàm lượng dinh dưỡng cao. Về cơ bản, các loại gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao sẽ giúp nâng cao sức khoẻ, phòng ngừa, giảm nguy cơ bệnh tật, tuy nhiên, chúng không thể chữa được bệnh. Nói rằng ăn gạo này chữa được bệnh ung thư là không thể. "Ăn gạo mà chữa được ung thư thì có lẽ đã được trao giải thưởng Nobel rồi", GS.VS Trần Đình Long khẳng định.

    Liên quan đến việc phân biệt gạo "thảo dược" và các loại gạo thông thường, các chuyên gia cho hay, không quá khó trong việc phân biệt các loại gạo giàu dinh dưỡng so với gạo thông thường bằng máy móc, nhưng bằng mắt thường thì không đơn giản. Tuy nhiên, một dấu hiệu mà mắt thường có thể nhận biết đó là bằng màu sắc, vì một số loại gạo được gắn mác thảo dược thường có màu như tím, đỏ... 

    Thế nhưng, dù là gạo đỏ nhưng nhiều giống không phải là có hàm lượng dinh dưỡng cao. Hơn thế, ngay cả đúng là giống lúa đó nhưng phải tuân thủ quy trình chọn tạo giống, chăm sóc, thậm chí còn phụ thuộc vào nhiệt độ, thời tiết... Sự thay đổi về điều kiện trồng, cấy nhiều khi cũng làm giảm chất lượng dinh dưỡng trong gạo.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sieu-gao-chua-bach-benh-dung-tin-loi-quang-cao-a139280.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan