(ĐSPL) - Quản lý tập đoàn EVN gồm có 13 người, có thu nhập trên dưới 600 triệu đồng năm 2015.
Thông tin trên VnExpress, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chi khoảng 8,63 tỷ đồng trả lương cho các viên chức quản lý năm 2015.
Theo báo cáo của EVN, viên chức quản lý tập đoàn gồm có 13 người, có thu nhập trên dưới 600 triệu đồng năm 2015. Các lãnh đạo này đều đa phần có bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo có bằng thạc sĩ liên quan đến lĩnh vực điện năng.
Ông Mai Quốc Hội – thành viên hội đồng thành viên (HĐTV) có lương trên 632 triệu đồng cộng với các khoản thưởng phúc lợi là 866 triệu đồng một năm.
Có bằng tiến sĩ kinh tế và quản lý sản xuất và nhiều năm công tác trong lĩnh vực điện lực, ông Dương Quang Thành được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV EVN từ 25/3/2015. Thu nhập của ông đạt 618 triệu đồng.
Hai thành viên HĐTV khác là ông Phạm Mạnh Thắng và Đào Hiếu lần lượt là 518, 647 triệu đồng.
Phó giám đốc Nguyễn Tài Anh thu nhập cả năm là 660 triệu đồng. Các lãnh đạo chủ chốt khác như: Tổng giám đốc Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri, Nguyễn Tấn Lộc, Nguyễn Cường Lâm đều có thu nhập khoảng 600 triệu đồng.
Ở mức thấp hơn là Kiểm soát viên có mức lương thấp hơn khoảng 400 triệu đồng.
So với mức lương thưởng của một số Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước khác như SCIC, Sabeco, Vietcombank… các lãnh đạo EVN thấp hơn. Tổng cộng EVN đã chi khoảng 8,63 tỷ đồng trả lương cho viên chức quản lý năm 2015.
Năm 2015, giá bán điện bình quân của EVN tăng lên 1.629 đồng một kWh. Nhờ vậy, hiệu quả doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỷ đồng nâng tổng mức doanh thu toàn tập đoàn đạt 233.710 tỷ đồng, tăng 18,5\% so với năm trước. Vốn điều lệ của công ty mẹ đạt 160.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2010. Tuy nhiên, lợi nhuận không được phía EVN tiết lộ.
Tính đến cuối năm 2015, Chính phủ đã bảo lãnh gần 10 tỷ USD vay nợ của EVN.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chi khoảng 8,63 tỷ đồng trả lương cho các viên chức quản lý năm 2015. (Ảnh minh họa). |
EVN đang vay nợ gần 10 tỷ USD
Thông tin trên báo Đất Việt, theo báo cáo vừa được Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - công ty mẹ hiện có nợ vay 9,7 tỷ USD.
Ngoài ra, Tổng công ty truyền tải điện Việt Nam (EVN/NPT) cũng được bảo lãnh nợ 445 triệu USD. Cơ cấu vay nợ chủ yếu là nước ngoài.
Riêng trong năm 2015, EVN được cấp bảo lãnh hơn 2 tỷ USD cho 2 dự án mà tập đoàn làm chủ đầu tư trực tiếp.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh EVN và các công ty điện lực phải xử lý vấn đề lỗ chênh lệch tỷ giá hằng năm do nguồn thu bán điện đến từ nội tệ trong khi có nhiều khoản vay lớn bằng ngoại tệ.
Đồng thời, Bộ Công Thương cần xem xét các khoản lỗ này do chính sách hay không, để đảm bảo tiêu chí doanh nghiệp không bị lỗ khi xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ. Ngoài ra, nếu EVN có các dự án triển khai, huy động vốn lớn, cần phải được Quốc hội phê duyệt bảo lãnh vì liên quan đến an ninh tài chính quốc gia.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu: "Trong quá trình quản lý danh mục đầu tư của mình và theo xu hướng cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, EVN cần có sự hoạch định chiến lược về quản lý tài sản và nghĩa vụ nợ sau đầu tư để đảm bảo năng lực tài chính và khả năng trả nợ".
Cơ quan quản lý đồng thời cũng nhắc việc một số công ty mua bán điện của EVN chậm thanh toán, dẫn đến các công ty phát điện cũng bị hụt nguồn trả nợ.
Thực tế, theo báo cáo Tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp 100\% vốn nhà nước do Chính phủ công bố, công ty mẹ - tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đứng đầu trong bảng danh sách nợ nước ngoài với khoản nợ 161.891 tỉ đồng.
Khi trao đổi với Đất Việt, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN chỉ rõ EVN hoạt động tài chính của EVN chưa tốt, tỷ suất lợi nhuận thấp. Một điểm khác mà ông Ngãi cho rằng EVN đã "đốt" quá nhiều tiền vào đó là chi phí cho bộ máy nhân sự khổng lồ của tập đoàn này.
Ông chỉ rõ: "Hiện nay số người của EVN quá lớn. Hệ thống điện có tổng công suất nguồn 34.000 MW, ấy là đã cộng cả dầu khí, sông Đà, TKV, còn EVN chỉ quản lý hơn 20.000 MW nhưng lượng người của tập đoàn lên tới 110.000 người. Trong đó, riêng khối điện lực (khối 5 tổng công ty điện lực - PV) đã chiếm khoảng 70.000 người".
Ngay cả người đi thu tiền điện, đo đếm công tơ, sửa chữa sự cố, nhất là cấp điện áp thấp của EVN, theo ông Ngãi, "EVN có nhiều lắm", chưa kể lượng người vận hành trong các nhà máy. Bởi thế, ông cho rằng, điểm mấu chốt là phải tập trung tinh giản bộ máy, sắp xếp lại nhân sự cho hợp lý hơn.
Mặt khác, theo kết luận thanh tra Chính phủ, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỷ đồng.
Với các hình thức xây dựng nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis....Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện và được EVN tính vào giá bán điện.
Tuyết Mai (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin