Giải trình về biến động lợi nhuận sau thuế quý 1/2023, nhà băng này cho biết tình hình kinh doanh sụt giảm do bối cảnh khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế trong và ngoài nước, mặt bằng lãi suất huy động tăng cao dẫn đến chi phí vốn tăng. Mặt khác, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng biến động mạnh nên thu nhập từ hoạt động kinh doanh chứng khoán giảm. Ngoài do, nguồn thu từ dịch vụ giảm do lạm phát tăng dẫn tới các tổ chức kinh tế và dân cư thắt chặt chi tiêu.
Trong kỳ, hoạt động dịch vụ đem về cho SeABank 118,7 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, mua bán chứng khoán đầu tư đều tăng trưởng âm, ghi nhận mức lợi nhuận 134,6 tỷ đồng và 131 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm từ 46,6 tỷ xuống còn hơn 37,2 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối báo lãi 38,4 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của SeABank đạt hơn 245.169 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 85% còn 1.505 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 19% lên 49.514 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 3% lên 159.281 tỷ đồng.
Hạng mục tài sản có khác của SeABank ở mức 12.997 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với số đầu năm. Đáng chú ý, các khoản lãi, phí phải thu (lãi dự thu) của nhà băng này đã tăng 57% sau 3 tháng, lên mức 4.088 tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, tổng dư nợ xấu của SeaBank tính đến hết quý 1/2023 là hơn 2.546 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Ngân hàng SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.633 tỷ đồng, kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3%. Trong năm nay, SeABank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 20.403 tỷ đồng lên tối đa 25.903 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ gần 20,3%, chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ hơn 4,6% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho Người lao động (ESOP)
PV