(ĐSPL) - Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nghệ An đang xin ý kiến của Bộ để thành lập hội đồng thẩm định hiện vật nghi ấn tín của nhà vua vừa được người dân phát hiện.
[mecloud]TvVPB1b5R6[/mecloud]
Ngày 13/12, chia sẻ với PV, ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) Nghệ An cho biết, Sở đang xin ý kiến của Bộ để thành lập hội đồng thẩm định hiện vật nghi ấn tín của nhà vua vừa được người dân phát hiện.
Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nghệ An đang xin ý kiến của Bộ để thành lập hội đồng thẩm định hiện vật nghi ấn tín của nhà vua vừa được người dân phát hiện. |
Sau khi Bộ VH-TT&DL thống nhất danh sách, Sở VH-TT&DL sẽ làm tờ trình xin UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định thành lập hội cổ vật và lập hội đồng để giám định hiện vật nghi ấn tin của nhà vua. Khi có kết quả sẽ thông báo cho các cá nhân, tổ chức biết.
Cùng ngày, ông Lê Minh Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay, UBND tỉnh đã nhận được tờ trình của Sở VH-TT&DL. Dù việc thành lập hội đồng thẩm định là rất tốn kém nhưng tỉnh sẽ phối hợp với Bộ để đưa ra kết luận cuối cùng về hiện vật nghi ấn tín của vua này.
Được biết, tại Nghệ An chưa có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đủ tiêu chuẩn để thẩm định cổ vật. Riêng hiện vật nghi ấn tín của nhà vua này vẫn đang niêm phong để trong kho của Bảo tàng tỉnh Nghệ An.
Hiện vật nghi ấn tín của nhà vua đang được niêm phong. để trong kho của Bảo tàng tỉnh Nghệ An. |
Trước đó, ông Nguyễn Đức Kiếm, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết, hiện chưa có cơ sở khoa học khẳng định hiện vật là thật hay giả. Bằng trực quan mắt thường bước đầu ghi nhận hiện vật kim loại hình rồng, có hai dòng chữ Hán ở phía bên và mặt đế, giống một ấn tín của nhà vua thời xưa.
Như tin đã đưa, ngày 26/11, bà Nguyễn Thị Khương (54 tuổi), trú tại ở xóm 4, xã Nghi Lâm đi đến chân núi Khe Gỗ thuộc xóm 5, xã nghi Lâm hái rau má. Tại đây, bà Khương bất ngờ phát hiện một vật thể lạ bằng kim loại với hình thù đặc biệt.
Qua quan sát, vật thể lạ này được làm bằng kim loại, màu đen, vàng. Bao quanh có 9 đầu rồng, nặng khoảng 1,6kg, mặt trước và mặt dưới có dòng chữ Hán.
Đến ngày 30/11, đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh Nghệ An, Phòng văn hóa huyện Nghi Lộc đã về xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, làm các thủ tục cần thiết để tiếp nhận vật thể lạ nghi là ấn tín cổ của vua chúa thời phong kiến mà người dân phát hiện trước đó.
Điều 187. Quyền chiếm hữu tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu (Bộ luật Dân sự năm 2005) 1. Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật. Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 2. Đối với tài sản do người khác tẩu tán nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật hoặc trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ dân sự thì người phát hiện phải thông báo hoặc giao nộp ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |