(ĐSPL) - Trong trường hợp xảy ra những diễn biến xấu, phức tạp tại Lybia, sẽ rút toàn bộ lao động Việt Nam khỏi nước này.
Theo thông tin từ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam tối ngày 5/8, còn khoảng 1.550 lao động Việt Nam đang làm việc tại 15 địa phương trên lãnh thổ Lybia (Tripoli, Ghademesh, Jalut, Misrata, Sirte, Qubbah, Ras Lanuf, Naffora, El Sharara, Amal, Brega, Ajdadbya, Benghazi, Sebha, Ubari). Cho đến nay, đa số lao động Việt Nam vẫn đang ở những khu vực chưa xảy ra chiến sự.
Bộ Ngoại giao đã cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Lybia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Algieria theo dõi sát tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ với các công ty phái cử và sử dụng người lao động có các phương án, biện pháp bảo đảm an toàn cho các lao động Việt Nam đang làm việc tại Lybia.
Các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Algieria đã khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị các nước phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các lao động Việt Nam quá cảnh về nước. Tính đến ngày 5/8, đã có 209 lao động Việt Nam rời khỏi Lybia về nước an toàn và 182 lao động ra khỏi khu vực có xung đột là Tripoli và Benghazi.
Hiện nay, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và 12 công ty, doanh nghiệp phái cử lao động sang Lybia đã chuẩn bị đưa các lao động Việt Nam ở gần các khu vực nguy hiểm về nước và trong trường hợp xảy ra những diễn biến xấu, phức tạp tại Lybia, sẽ rút toàn bộ. Những người lao động còn lại vẫn đang trong khu vực an toàn và giữ được liên lạc với các cơ quan ngoại giao, quản lý lao động của Việt Nam.
Lao động Việt Nam tại Lybia hoặc thân nhân đang ở Việt Nam có thể liên lạc theo các đường dây nóng của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao +0084.918370497 hoặc +0084.948948458 để được hỗ trợ, giúp đỡ.