Nhà lập pháp Ross Greer cho biết, trong vài tuần nữa, Scotland sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần hai tách khỏi Vương quốc Anh.
Theo kết quả của lần trưng cầu dân ý đầu tiên, phần lớn người dân Scotland không ủng hộ việc tách khỏi Vương quốc Anh. Ông Greer thông tin, thời gian diễn ra cuộc trưng cầu ý dân lần hai sẽ được tiến hành trong vài tuần tới.
Scotland là một trong bốn vùng thuộc Vương quốc Anh cùng với Anh, xứ Wales và Bắc Ireland. Tuy nhiên, sau tuyên bố của Thủ tướng Anh Thresa May về quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon khẳng định Anh nên để Scotland toàn quyền quyết định tương lai của mình.
Thủ hiến Nicola Sturgeon cũng đã đặt ra kế hoạch cho mối quan hệ giữa Scotland và EU hậu Brexit. Trong đó có việc Scotland vẫn ở lại thị trường duy nhất của EU, ngay cả khi các vùng khác thuộc Anh rời khỏi khối liên minh này. Bà Sturgeon nêu rõ quan điểm, Scotland là một đối tác bình đẳng trong Vương quốc Liên hiệp Anh, và Scotland muốn ở lại trong thị trường chung EU.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tham dự cuộc tranh luận Brexit tại Quốc hội Scotland. (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, phía Anh lên tiếng sẽ đảm bảo an ninh kinh tế cho Scotland nếu tiếp tục ở lại. Vì vậy nếu Anh rút khỏi mái nhà chung châu Âu mà không để lại bất cứ hiệp định thương mại tự do nào, thì việc "giữ chân" Scotland cũng khó lòng có thể thực hiện được.
Scotland cũng đã đề xuất một thỏa thuận đặc biệt trong Brexit, mặc dù vậy, chính phủ Anh vẫn chưa xem xét.
Theo Luật pháp Anh, về mặt chủ quyền, thì họ có thể ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý lần hai của Scotland. Nhưng nếu điều này xảy ra, thì khả năng cao sẽ kích động một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu như chính quyền của bà Sturgeon đặt kế hoạch tách khỏi Vương quốc Anh là mục tiêu lâu dài, thì bà không nên tổ chức trưng cầu dân ý, trừ khi bà chắc chắn sẽ đưa Scotland rời Vương quốc Anh.
Trước đó, hồi tháng 6/2016, hơn 60% người dân Scotland đã bỏ phiếu ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý.
(Theo Reuters)