Sau khi thông tin Hoài Đức lên quận được lan truyền, giá đất nền tại nhiều khu vực ở huyện này đã bị "thổi giá", tăng chóng mặt.
Theo báo Tri thức trực tuyến, Hoài Đức xuất phát từ các làng nhỏ. Sau thời gian và quá trình đô thị hóa, các làng trước kia lớn dần và bắt đầu chuyển thành phố xá dọc các trục đường lớn.
Trước đây, giá đất trong dân tại các vùng có vị trí đẹp ở huyện Hoài Đức dao động ở mức 20-25 triệu đồng/m2. Thế nhưng, trong thời gian gần đây người dân Hoài Đức nhận được thông tin, trong ba năm tới Hoài Đức sẽ lên quận khiến giá đất tăng chóng mặt đến 3-4 lần. Một số lô đất bình thường được thổi lên đến 40-50 triệu đồng/m2.
Trước thông tin Hoài Đức lên quận, đất “vàng” thổi giá lên hàng trăm triệu/m2 - Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Ngay sau đó, thị trườn bất động sản tại huyện Hoài Đức đã nhanh chóng “rơi tự do”, giá đất về với thực tế. Có chỗ từng chào bán 40-50 triệu đồng/m2 nhưng sau đó chỉ còn 10-15 triệu đồng/m2.
Tại thời điểm hiện tại, giá đã tăng 2-3 triệu đồng/m2, có nơi tăng 4-5 triệu/m2 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mọi thông tin Hoài Đức lên quận đều không quá rõ ràng, đường cũng chưa khởi công.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức khẳng định, khi lên quận, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ "ấm lên".
Báo Đấu thầu thông tin, trước đó vào giữa năm 2016, trong cuộc làm việc với huyện Hoài Đức, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Hoài Đức là huyện trung tâm nhất của thủ đô, có vị trí rất quan trọng, cửa ngõ phía Tây, giáp với các quận nội thành, nên có nhiều thuận lợi và cần phải tập trung nguồn lực để xây dựng nâng cấp lên quận trong năm 2020.
Đây là tin mừng với người dân Hoài Đức, vì lên quận đồng nghĩa với việc cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư mạnh mẽ, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cũng tốt hơn, giá bất động sản sẽ được đà tăng mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, Hoài Đức đang tồn tại nhiều dự án bỏ hoang hoặc có tỷ lệ người vào ở thấp. Điển hình như dự án Khu đô thị HUD Vân Canh. Theo quan sát của phóng viên, chỉ có lưa thưa vài hộ gia đình vào sinh sống, còn lại hầu hết các căn liền kề xây thô xong vẫn bỏ hoang. Hay như dự án khu nhà ở xã Tân Lập hiện vẫn đang bị bỏ hoang, được nhiều hộ dân dùng để chăn bò.
Báo Kinh tế Đô thị dẫn lời ông Nguyễn Tài Đức - Giám đốc một sàn bất động sản cho hay: "Ở mỗi khu vực khi có sự thay đổi về hạ tầng, bất động sản thường mất một thời gian biến động, thậm chí là loạn giá, đặc biệt trên thị trường giao dịch thứ cấp. Tuy nhiên, thực tế, giá rao bán và giao dịch thực có thể chênh lệch khá lớn. Người mua nên chọn thời điểm thị trường ổn định trở lại để quyết định việc xuống sẽ tránh được rủi ro hơn".
(Tổng hợp)