Hoat động dịch vụ - mảng thu nhập chính của một ngân hàng – đem về cho VietABank 24,1 tỷ đồng; tăng 5,2% so với cùng kỳ. Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 2,1 tỷ đồng; giảm 12,5%. Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ 17,3 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lãi gấp 4,2 lần so với cùng kỳ; lên mức 20 tỷ đồng.
Trong quý II/2023, VietABank ghi nhận chi phí hoạt động ở mức 211 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà băng này đã cắt giảm gần một nửa chi phí dự phòng tín dụng rủi ro, xuống còn 7,9 tỷ đồng. Sau cùng, VietABank báo lãi sau thuế quý II/2023 đạt 203,9 tỷ đồng; tăng hơn 26% so với cùng kỳ.
Lũy kế từ đầu năm, VietABank đạt lợi nhuận sau thuế 423,6 tỷ đồng; giảm 15,39% so với cùng kỳ. Theo lý giải từ VietABank, lợi nhuận giảm tới từ việc thu nhập từ hoạt động khác (hoạt động xử lý nợ ) giảm dẫn tới thu nhập lãi thuần từ hoạt động khác giảm 86,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chi phí dự phòng tín dụng rủi ro tăng 23,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VietABank đạt 104.583 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 84.092 tỷ đồng, tăng 26,65% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 102,37% kế hoạch năm 2023. Dư nợ cho vay đạt 66.669 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tính đến hết quý II/2023, nợ xấu của VietABank ở mức 1.660 tỷ đồng, trong đó chiếm chủ yếu là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là hơn 923 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng mạnh nhất, gấp 24 lần con số đầu năm, lên 728 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của VietABank tăng từ 1.53% lên mức 2,6%.
Hạng mục “tài sản có khác” của VietABank ghi nhận 12.270 tỷ đồng, trong đó “các khoản lãi, phí phải thu” (lãi dự thu) ở mức 7.919 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm.
Trong báo cáo "Nhìn lại 2022 và triển vọng thị trường vốn 2023" của FiinRatings nhận định tỷ lệ nợ xấu đã tăng mạnh tại một số ngân hàng, đồng thời chất lượng các khoản lãi và phí phải thu đáng báo động ở nhóm ngân hàng có chất lượng tín dụng thấp.
XEM THÊM: Những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán sở hữu “kho” tiền mặt cả tỷ USD
Theo số liệu phân tích của FiinRatings, trung bình, các ngân hàng có vòng quay khoản lãi và phí phải thu khoảng 30 đến 60 ngày. Tuy nhiên, một số ngân hàng có các khoản lãi và phí phải thu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng tài sản, trong khi vòng quay lại rất dài (lên tới hơn 250 ngày) trong suốt nhiều năm liền. Đây là dấu hiệu cho thấy các khoản phải thu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành nợ khó đòi, và các số liệu kế toán chưa phản ánh chính xác chất lượng tài sản của ngân hàng.
Hiếu Nguyễn