Nhà cửa sập xuống, mặt đất mềm nhũn ảnh hưởng của thảm họa kép động đất-sóng thần khiến nhiều gia đình ở Indonesia bỏ chạy để bảo toàn tính mạng.
Đất ở một số khu vực ở Indonesia đã hóa lỏng sau trận động đất kinh hoàng. |
Một đoạn video ngắn quay lại cảnh tượng trên được ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan Quản lý Thiên tai Indonesia, chia sẻ trên Twitter hôm qua.
Hình ảnh cho thấy nhiều gia đình bế con nhỏ vừa la hét vừa chạy khỏi những ngôi nhà đang dịch chuyển và sập xuống. Mặt đất dưới chân họ bị sụt lún, xung quanh bụi trắng bốc lên mù mịt.
Nhiều người dùng Twitter đã mô tả hiện tượng này là "đáng sợ". Trận động đất cũng gây sóng thần cao tới 6 mét, tấn công hòn đảo Sulawesi, theo Cơ quan quản lý thiên tai Indonesia.
Cây cầu chính ở thành phố Palu bị sập hoàn toàn sau động đất và sóng thần. Ảnh: Reuters |
Phó tổng thống Jusaf Kalla cho biết số người chết cuối cùng có thể lên tới hàng nghìn người.
Nhiều người vẫn bị mắc kẹt trong đống đổ nát của các tòa nhà bị sụp đổ trong trận động đất, theo phát ngôn viên của Cơ quan quản lý thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho.
Ông Nuhroho cũng cho biết ước tính có 2,4 triệu người bị ảnh hưởng và ít nhất 17.000 người vô gia cư sau thảm họa kép ở Indonesia.
Đất hóa lỏng Tại nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa kép động đất-sóng thần ở Indonesia, mặt đất giờ đây nhìn giống như chất lỏng, theo một số nhân chứng. Giới chuyên gia gọi đây là hiện tượng "đất hóa lỏng", xảy ra khi đất bị bão hòa bởi nước và chịu sức ép do chuyển động đột ngột như rung chấn từ động đất. Nền đất lúc này mất đi sức chịu lực và độ cứng, thể hiện đặc tính giống như nước. Hiện tượng này có thể gây nguy hiểm. |
Quỳnh Chi (T/h)