+Aa-
    Zalo

    Sau nghi vấn thay đổi nhãn mác, 5.000 sản phẩm của Con Cưng bị tạm giữ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Giá trị của 5.000 sản phẩm “có vấn đề” về nguồn gốc, nhãn mác của Con Cưng ước tính khoảng gần 500 triệu đồng.

    Giá trị của 5.000 sản phẩm “có vấn đề” về nguồn gốc, nhãn mác của Con Cưng ước tính khoảng gần 500 triệu đồng.

    Tối 23/7, báo cáo nhanh của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, đơn vị đang tạm giữ khoảng 5.000 sản phẩm của công ty CP Con Cưng (Con Cưng) trị giá gần 500 triệu đồng. Đây là các sản phẩm mà cơ quan chức năng đã kiểm tra tại 3 cửa hàng của Con Cưng ở quận 1, quận 3, quận 6 vào ngày 22/7.

    Theo tin trên Tiền phong, sau kiểm tra, lực lượng chức năng kết luận, các cửa hàng này đều chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa; có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ. Trong đó đáng chú ý mặt hàng mỹ phẩm cho trẻ em nhãn mác không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định…

    Cụ thể, cửa hàng Concung.com (78 Tôn Thất Tùng, quận1) có các dấu hiệu vi phạm ban đầu như không gắn tên địa điểm kinh doanh tại cơ sở kinh doanh.

    Tạm giữ 5.000 sản phẩm 'có vấn đề' nguồn gốc, nhãn mác của Con Cưng. Ảnh: Dân trí

    Cửa hàng Con Cưng số 833-835 Hồng Bàng (quận 6), lực lượng ALTT đã thu giữ 4 tuýp mỹ phẩm kem massage bụng hiệu TitiOne, 350g, NSX 14/6/2018, HSD 14/6/2021, trị giá 1.380.000 đồng. Nhãn hàng hóa tiếng Việt in trực tiếp trên bao bì sản phẩm có dán miếng giấy ghi nội dung: “Sản xuất bởi: Công ty TNHH mỹ phẩm TITION” chồng lên thông tin in sẵn nằm dưới có nội dung “Sản xuất bởi Công ty TNHH G&C, VP: 413 Đường số 1, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM, Việt Nam”.

    Bên cạnh đó, lực lượng chức năng thu giữ 130 sản phẩm mỹ phẩm các loại: phấn, sữa tắm, sữa tắm – gội, sữa dưỡng da, nước hoa,… hiệu Jonhson’s và Jonhson’s baby do Thái Lan, Philipin, Malaysia sản xuất, có nhãn hàng hóa dán trên sản phẩm không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định. Trị giá khoảng 12.082.000 đồng.

    Ngoài ra còn có 56 mắt kính trẻ em không hiệu, trị giá gần 5 triệu đồng, có đính kèm nhãn ghi nội dung không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm hàng hóa. 224 sản phẩm quần áo trẻ em các loại hiệu CF, concung.com, laluna, lebe’, Starter’s trên nhãn ghi xuất xứ: Made in Thailand, nhãn gốc hàng hóa bằng tiếng nước ngoài in trực tiếp lên sản phẩm và nhãn phụ tiếng Việt Nam không đính kèm sản phẩm hàng hóa mà treo trên móc treo sản phẩm. Trị giá các sản phẩm là hơn 48.500.000 đồng.

    888 sản phẩm quần áo trẻ em các loại trị giá 88.236.000 đồng, hiệu CF, concung.com, xuất xứ: Made in Vietnam, kèm nhãn giấy/bao bì ghi thông tin “thành phần, SX tại Việt Nam, Công ty CP Con Cưng và địa chỉ không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa.

    Trước đó, như Dân trí đã thông tin, khách hàng Trương Đinh Công Vĩnh (phường 14, quận Tân Bình) đã gửi ý kiến khiếu nại của mình đến nhiều cơ quan, đơn vị về việc sản phẩm của Con Cưng bị lỗi, tem nhãn bị cắt và thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion).

    Theo ông Vĩnh, chiều ngày 22/5, ông đến siêu thị của Con Cưng tại số 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình) để mua hàng với tổng giá trị hóa đơn là gần 1,5 triệu đồng. Trong đó có bộ quần áo thun bé gái dài trị giá 329.000 đồng.

    Tuy nhiên, khi mang các sản phẩm về nhà đi giặt thì ông Vĩnh phát hiện bộ quần áo thun có dấu hiệu cắt tem nhãn và thay thế bằng tem nhãn CF có ghi xuất xứ là Made in Thailand. Ông nghi ngờ xuất xứ các sản phẩm của Con Cưng không rõ ràng và gắn mác “ngoại” vào để tăng giá trị sản phẩm.

    Ngay sau đó, ông Vĩnh đã mang sản phẩm lỗi đến Con Cưng để làm rõ sự việc. Phía Con Cưng sau đó đã thu hồi sản phẩm lỗi của ông Vĩnh và các sản phẩm lỗi đang bán tại cửa hàng. Ngoài ra, phía Con Cưng cũng xác định là sẽ không tiếp tục làm việc với nhà cung cấp phía Thái Lan.

    Được biết, Con Cưng hiện là chuỗi có quy mô lớn nhất trên thị trường với 318 siêu thị trên toàn quốc, bao gồm 288 siêu thị với thương hiệu Con Cưng và 30 cửa hàng ToyCity.

    Được thành lập từ năm 2011, chuỗi siêu thị mẹ và bé này tập trung chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đầu năm 2017, Con Cưng đã nhận khoản đầu tư từ Daiwa-SSIAM II và bắt đầu giai đoạn đánh mạnh vào thị phần khi liên tục mở rộng địa bàn. Chỉ riêng số mở ra trong năm 2017 sau khi được "đỡ đầu" đã cao hơn tổng số cửa hàng mở ra trong 5 năm trước.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sau-nghi-van-thay-doi-nhan-mac-5000-san-pham-cua-con-cung-bi-tam-giu-a237480.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan