(ĐSPL) - Sau mưa lớn, hố "tử thần" càng bị sụt lớn dần khiến hàng trăm phương tiện lưu thông trên đường Lê Hồng Phong, TP Nha Trang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Báo Dân trí đưa tin, ngày 18/12, trên đường Lê Hồng Phong (đoạn giao với đường Vân Đồn, TP Nha Trang) có một vũng nước đọng, sau đó mặt đường nứt nẻ và sụt thành hố sâu.
Đến rạng sáng nay (19/12), sau cơn mưa lớn, hố "tử thần" sụt dần khiến hàng trăm phương tiện lưu thông trên đường Lê Hồng Phong bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo quan sát, hàng loạt xe khách, xe tải khi lưu thông qua đoạn đường này phải đi chậm, nối đuôi kéo dài.
Hố "tử thần" xuất hiện sau trận mưa lớn. Ảnh: Tri thức trực tuyến. |
Theo báo Tri thức trực tuyến, hố sâu này xuất hiện phía làn đường bên phải, hướng Mả Vòng xuống Bình Tân. Hố có chiều dài 5,5m, rộng 5m, sâu hơn 2m.
Trong sáng 19/12, đơn vị Quản lý đường bộ và Công ty cổ phần sửa chữa đường Khánh Hòa đã tiến hành rào chắn, cử người phân luồng tránh sự cố đánh tiếc. Theo một cán bộ, do mưa lớn nên việc tiến hành sửa chữa chưa thể tiến hành.
“Cần khảo sát kỹ, đo đạc chi tiết, sau đó mới có phương án lấp hố. Hiện chúng tôi đã đặt rào chắn, biển cảnh báo, cử người gác để phân luồng giao thông” - cán bộ này nói.
Nguồn tin cho hay, sáng nay, TP Nha Trang tiếp tục có mưa lớn gây ngập nặng ở nhiều tuyến đường như 2/4, 23/12, Phạm Văn Đồng, đại lộ Nguyễn Tất Thành.... Một số điểm ở các xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh... bắt đầu ngập cục bộ.
Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau: "1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm: a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả; c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai; e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. 2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau: a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền; b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu; d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(Tổng hợp)