(ĐSPL) - Không tiết lộ danh sách doanh nghiệp thanh tra kế tiếp (sau vụ Metro), nhưng ông Nam cho hay, sẽ tiếp tục với một số đơn vị nữa để đảm bảo công bằng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Chính sách quản lý về phí chuyển nhượng quyền thương mại hay phí trả cho chuyên gia nước ngoài là hai vấn đề lớn được lãnh đạo Tổng cục Thuế nhắc tới trong buổi tổng kết về quá trình thanh tra thuế Cty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam.
Chiều 1/6, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra Nguyễn Đẩu - Trưởng đoàn thanh tra vụ Metro, cho biết: Trong hơn 6 tháng làm việc, đoàn thanh tra phải tạm dừng làm việc 4 lần và tổ chức đối thoại 4 lần với phía Metro. Sự kiên trì này được ông Đẩu coi như một trong những bài học quan trọng để tìm ra kết quả công bố gần đây. Theo đó, cơ quan thuế điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế 507 tỷ đồng với đơn vị này.
Qua quá trình thanh tra Metro, ông Đẩu đề nghị bổ sung, sửa đổi một số cơ chế, chính sách để có phương thức quản lý phù hợp hơn với những đơn vị như Metro. “Sửa đổi quan trọng nhất là vấn đề phí chuyển nhượng thương mại và phí trả cho các chuyên gia nước ngoài phải pháp định hóa có cơ sở xử lý phù hợp”, ông Đẩu nói. Những chi phí này đã được kết quả thanh tra đặc biệt nhấn mạnh trong công bố trước đó.
Theo cơ quan chức năng, chi phí Metro trả cho các công ty liên kết ở Đức năm 2001-2013 khá lớn. Cụ thể như: Chi phí nhượng quyền thương mại với công ty ở Đức 731 tỷ đồng; chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc, chuyên gia nước ngoài thông qua Metro Cash & Carry GmbH tại Đức cũng lên tới 699 tỷ đồng...
Các khoản này đã được đoàn thanh tra rà soát và loại khỏi chi phí hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan thuế còn truy thu với những khoản không có chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết thêm, đợt thanh tra vừa qua không phải lần đầu cơ quan thuế vào cuộc với Metro. Song các lần trước chỉ diễn ra trên từng địa bàn cụ thể, chưa toàn diện. Không tiết lộ danh sách doanh nghiệp thanh tra kế tiếp (sau vụ Metro), nhưng ông Nam cho hay, sẽ tiếp tục với một số đơn vị nữa để đảm bảo công bằng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Trước đó, thông tin kết quả thanh tra Tổng cục Thuế cho biết ngày 21/4, Công ty trách nhiệm hữu hạn Metro Cash & Carry Việt Nam được thành lập tại Việt Nam theo giấy phép đầu tư 14/3/2001 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp. Mạng lưới hệ thống Metro gồm 1 trụ sở chính và 15 chi nhánh và 1 kho trung chuyển thuộc 16 tỉnh, thành phố.
Từ năm 2002 tới năm 2013, đơn vị đã kê khai lỗ trong 12 năm với số tiền là 1.657 tỷ đồng và chỉ lãi 1 năm duy nhất (năm 2010) với số tiền 173 tỷ đồng.
Sau thanh tra, cơ quan chức năng đã điều chỉnh thuế nhà thầu nước ngoài khoảng 62 tỷ đồng, điều chỉnh giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 110 tỷ đồng, giảm lỗ với khoản chi phí nhượng quyền thương mại, chi phí không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh… là 335 tỷ đồng.
Không tiết lộ danh sách doanh nghiệp thanh tra kế tiếp (sau vụ Metro), nhưng ông Nam cho hay, sẽ tiếp tục với một số đơn vị nữa để đảm bảo công bằng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. |
Danh sách dài chưa lộ diện
Trước đó, chia sẻ trên báo Vietnamnet, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội chia sẻ: "Thực ra, chuyển giá của Metro là câu chuyện thể hiện tính hai mặt của các nhà đầu tư FDI. Cần phải hiểu rằng, doanh nghiệp đến Việt Nam làm ăn thì mục tiêu đầu tiên của họ là lợi nhuận. Vì thế, họ sẽ tìm mọi cách để tối đa hoá lợi nhuận của mình, giảm thiểu chi phí...Đó là việc bình thường".
Trong khi đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư lại thường không lấy làm vui mỗi khi có các đối tác ngoại bị nghi ngại chuyển giá. Trong một cuộc toạ đàm về chủ đề này tháng 10 năm ngoái, khi được hỏi suy nghĩ của ông về nghi án 12 năm khai lỗ của Metro, ông liên tục nhấn mạnh, đừng chụp mũ FDI khi chưa đủ chứng cứ. Rằng, đây là chuyện của cả thế giới, hiện tượng này nếu có chỉ là cá biệt, là con sâu làm rầu nồi canh. Thậm chí ngay cả khi nghi vấn thì cũng không cần công bố rộng rãi vì sẽ ảnh hưởng môi trường đầu tư, các nước đều vậy, ông Hoàng nói.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương nói "Tại sao lại không nên công bố? Ta không nghi kỵ ai cả mà khi có hiện tượng bất thường, ta phải nêu vấn đề".
"Chúng ta đã ưu đãi FDI rất nhiều từ đất đai, giảm thuế, đến khi họ lậu thuế, ta lại không dám nói thì không hiểu đó là tư duy kiểu gì. Đó là một thái độ lạ lùng. Ta phải sòng phằng, sai thì nói, đúng thì khen.Ví dụ, Samsung làm tốt thì ta khen. Ông nào làm bậy thì phải nói", TS Doanh thẳng thắn.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc ngành thuế chủ động công bố kết quả thanh tra chuyển giá Metro là một bước tiến bộ. Nó có thể mở đầu các kết quả thanh tra khác sẽ được công bố, với các phát hiện mới mà lâu nay giới chuyên gia kinh tế đã nhiều lần đặt dấu hỏi.
"Tôi hi vọng thanh tra thuế nên mở rộng hợp tác quốc tế, bổ sung thêm các kỹ năng quản lý thuế, làm sao để môi trường ở Việt Nam có sự công bằng. Cần tránh biến đất nước chúng ta thành mảnh đất màu mỡ, để DN FDI làm ăn không chính đáng, chỉ có trục lợi ở Việt Nam mà không nộp thuế cho chúng ta", TS Doanh nói.
Dù vậy, cho đến nay, thỉnh thoảng Bộ Tài chính công bố về chuyển giá, nhưng chỉ là vài con số khô khan như số thuế truy thu, số tiền giảm lỗ, chứ tuyệt nhiên, không có danh tính nào được nhắc đến.
Ngọc Anh (Tổng hợp)