+Aa-
    Zalo

    Sau gần 10 năm bị "cấm cửa", Facebook vẫn đứng ngoài nhìn các đối thủ “chia chác” thị trường Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Facebook chỉ biết ở ngoài nhìn vào và chứng kiến các đối thủ phân chia thị trường mà đáng ra, nếu ở các quốc gia khác thì có lẽ đã nằm trọn trong tay mình.

    Facebook chỉ biết ở ngoài nhìn vào và chứng kiến các đối thủ, là những mạng xã hội tại Trung Quốc, phân chia thị trường mà đáng ra, nếu ở các quốc gia khác thì có lẽ thuộc về Facebook.

    Sau khi tin Facebook mở công ty con tại Trung Quốc xuất hiện trên báo chí, chưa đầy 1 ngày sau, thông tin về giấy phép kinh doanh của công ty này đã bị gỡ khỏi trang web của cơ quan quản lý tại Trung Quốc. Các thông tin liên quan tới công ty này cũng bị kiểm duyệt trên các mạng xã hội ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

    Trước đó, New York Times đưa tin, Facebook lên kế hoạch mở một công ty con có tên Facebook Technology tại thành phố Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc. Đây là một công ty tư vấn, đầu tư hỗ trợ các start-up, thuộc sở hữu của Facebook Hong Kong Ltd với 30 triệu USD tiền vốn. Giấy phép kinh doanh của công ty này được chính quyền thành phố Chiết Giang thông qua, nhưng ngay sau đó đã bị cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc rút lại.

    Theo New York Times, các quan chức cấp trung ương của Trung Quốc tỏ ra rất tức giận vì không được chính quyền tỉnh thông báo kỹ.

    Như vậy, mạng xã hội Facebook tưởng chừng có hy vọng trở lại Trung Quốc nhưng niềm vui kéo dài đã không được bao lâu, vẻn vẹn chưa đầy 1 ngày.

    Nhà sáng lập Facebook, ông Mark Zuckerberg. Ảnh: Getty

    Facebook đang "làm mưa làm gió" ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, thế nhưng, có một nơi mà mạng xã hội này dù cố gắng cách nào cũng không thể thâm nhập được: Trung Quốc. Cũng như bất kỳ công ty nào, Facebook nhìn Trung Quốc với ánh mắt "thèm thuồng" khi mà nơi đây có tới 700 triệu người dùng Internet. Facebook hiện tiếp cận được hầu hết quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Gần một thập kỷ bị “cấm cửa”, Facebook luôn nỗ lực để đưa mạng xã hội trở lại Trung Quốc nhưng luôn bị khước từ.

    Trước đó, để triển khai hoạt động tại Hong Kong, năm 2014, Facebook thuê Wang-Li Moser, người từng làm việc hơn 1 thập kỷ cho Intel ở Trung Quốc và nổi tiếng với thành tích giúp Intel xây dựng nhà máy trị giá lên tới 2,5 tỷ USD ở quốc gia này, đồng thời giúp Intel củng cố mối quan hệ với chính phủ. Moser có nhiệm vụ giúp Facebook hiểu thị trường Trung Quốc hơn, trong đó bao gồm xây dựng thêm các mối quan hệ trực tiếp với quan chức chính phủ.

    Người quản lý này cuối cùng có vẻ như đã giúp ích cho Facebook. Tháng 12/2014, bà đi cùng Zuckerberg tới một cuộc họp với Lu Wei, một lãnh đạo hàng đầu phụ trách quản lý Internet của Trung Quốc, tại thủ phủ của Facebook. Bà cũng đi theo vị CEO này hồi tháng 3/2016 tới các cuộc họp ở Bắc Kinh với các lãnh đạo chính phủ.

    Hồi mùa thu năm ngoái, bà tham dự hội thảo Internet Thế giới của Trung Quốc tại Ô Trấn, hội thảo được tổ chức bởi Cục Quản lý Không gian ảo, các cơ quan quản lý có trách nhiệm xác định các website sẽ bị chặn.

    Mark Zuckerberg có nhiều hành động để cải thiện hình ảnh tại Trung Quốc, nhưng mọi nỗ lực đều chưa có kết quả. Ảnh: Getty

    Trong lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015, ông chủ Facebook đăng tải lên trang cá nhân với sự tự hào khi được gặp gỡ và nói chuyện bằng tiếng Hoa với nhà lãnh đạo của quốc gia mà Facebook muốn thâm nhập.

    Trong khi đó, báo chí Trung Quốc chỉ nhắc tên Zuckerberg với tư cách của một trong số những người làm công nghệ được may mắn gặp ông Tập.

    Thời điểm đó, ông chủ Facebook chuẩn bị làm cha của một bé gái, và Priscilla - vợ ông, là một người Mỹ gốc Hoa. Trong buổi yến tiệc Tổng thống Mỹ Barack Obam thết đãi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp ông Tập công du nước Mỹ, Zuckerberg đã dùng tiếng Hoa đề nghị ông Tập đặt cho con gái một cái tên tiếng Hoa nhưng ông Tập đã thẳng thừng từ chối.

    Một nguồn tin nói với Page Six rằng, sở dĩ ông Tập với gương mặt lạnh như tiền từ chối đặt tên cho con của Zuckerberg là vì sợ “trách nhiệm nặng nề” đối với đứa con tinh thần của Zuckerberg.

    Trong một nỗ lực khác hồi năm 2016, Mark Zuckerberg - người đứng đầu Facebook đã tham gia một sự kiện tại Bắc Kinh. Trong thời gian ở lại Trung Quốc, tỷ phú trẻ tuổi đã đăng lên Facebook bức ảnh chính ông đang chạy bộ ở Quảng trường Thiên An Môn vào một ngày đầy khói bụi độc hại.

    Theo The Times, cũng trong năm 2016, Facebook đã thực hiện kế hoạch áp dụng chính sách kiểm duyệt dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Cụ thể mạng xã hội tạo ra một công cụ ngăn chặn các bài viết hiển thị tại một số nơi nhất định. Công cụ này hứa hẹn sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của Bắc Kinh, giúp con đường bước vào Trung Quốc rộng mở hơn cho Facebook. Tuy nhiên, công cụ trên vẫn không thể được triển khai.

    Vào đầu tháng 1/2017, một thông tin xuất hiện với nội dung: quan chức Trung Quốc đã cấp quyền cho phép Facebook mở một văn phòng đại diện tại thủ đô Bắc Kinh. Những tưởng đó sẽ là cơ hội hiếm hoi để mạng xã hội này có chỗ đứng tại đây. Tuy nhiên, con đường không phải trải toàn hoa hồng. Bản quyền của Facebook chỉ kéo dài 3 tháng, ngắn một cách bất thường và nó khiến lãnh đạo công ty nản lòng, chỉ biết "lắc đầu ngao ngán".

    Đây chỉ là một phần của câu chuyện về tình trạng khó khăn của Facebook khi hãng cố gắng thâm nhập thị trường Trung Quốc.

    Cho đến hiện tại, Facebook vẫn phải "bất lực" đứng ngoài nhìn các đối thủ, là những mạng xã hội tại Trung Quốc, giành nhau thị trường mà đáng ra, nếu ở các quốc gia khác thì có lẽ thuộc về Facebook. Weibo, cùng với Tencent, WeChat và QQ hiện là những kẻ thống trị. Mọi chuyện có vẻ như đã muộn màng với Facebook, theo nhận định của Kai-Fu Lee, cựu Giám đốc của Google tại Trung Quốc và giờ là CEO của Innovation Works.

    Facebook cũng phải đối mặt với một chính phủ Trung Quốc vốn tỏ ra thận trọng và không muốn có một mạng xã hội nào đó sẽ trở thành một nơi để tranh cãi những quan điểm trái chiều - theo các lãnh đạo trong ngành công nghiệp cũng như các nhân vật quen biết với lãnh đạo Bắc Kinh. Nếu muốn vào Trung Quốc, kiểm duyệt nội dung theo yêu cầu chính phủ sẽ là điều kiện tiên quyết của mạng xã hội này.

    Trong khi đó, CEO Facebook Zuckerberg nhận định rằng, Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với tương lai Facebook.

    "Rõ ràng, bạn không thể hiện thực hoá mục tiêu kết nối mọi người trên thế giới nhưng lại bỏ qua quốc gia lớn nhất thế giới. Trong dài hạn, chúng ta cần tìm ra giải pháp cho vấn đề này" - Zuckerberg chia sẻ với các nhà phân tích.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sau-gan-10-nam-bi-cam-cua-facebook-van-dung-ngoai-nhin-cac-doi-thu-chia-chac-thi-truong-trung-quoc-a237955.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan