Tại dự thảo luật BHYT sửa đổi, mức đóng BHYT sẽ tăng tối đa lên 6% mức lương cơ sở và mức đóng người thứ 2 trong hộ gia đình cao hơn 10% so với hiện tại.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cùng lãnh đạo vụ BHYT, bộ Y tế trả lời các vướng mắc từ các bệnh viện. Ảnh: Vietnamnet |
Theo báo Vietnamnet, sáng 12/12, hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện luật BHYT và lấy ý kiến cho dự thảo luật BHYT sửa đổi được tổ chức tại Hà Nội.
Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng vụ BHYT, bộ Y tế cho biết, luật BHYT sắp tới sẽ có nhiều điểm mới.
Cụ thể, đáng chú ý nhất sẽ là thay đổi mức đóng BHYT hàng tháng, tối đa lên mức 6% lương cơ cơ sở, thay vì mức 4,5% như hiện tại, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.
Đối với thời gian nghỉ chế độ thai sản theo quy định thì đóng bằng 6% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng yêu cầu tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình phải tham gia cùng một thời điểm thay vì có thể tham gia từng cá nhân như hiện nay. Mức đóng của thành viên thứ 2 trong gia đình sẽ bằng 80% của người thứ nhất, thay vì mức 70% như hiện nay.
Từ đó có thể thấy, cùng với các đợt tăng lương cơ sở đều đặn, mức đóng BHYT trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Hiện tại, lương cơ sở đang là 1.490.000 đồng, với mức đóng 4,5%, tương đương mức đóng BHYT là 804.000 đồng/năm, nếu tăng lên 6%, mức đóng sẽ lên gần 1.100.000 đồng.
Theo quy định pháp luật hiện hành, mức đóng BHYT trong giai đoạn hiện nay được Chính phủ quy định bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Mức đóng BHYT sẽ tăng tối đa lên 6% mức lương cơ sở. Ảnh minh họa |
Liên quan đến vấn đề cấp thẻ BHYT, báo Người Đưa Tin cho hay, theo dự thảo, thời hạn cấp thẻ cho người dân trong trường hợp mất thẻ sẽ là 7 ngày, tuy nhiên nội dung "trong thời gian chờ cấp lại thẻ, người tham gia BHYT vẫn được hưởng quyền lợi BHYT" không được đưa vào nội dung dự luật.
Dự thảo cũng bổ sung là sẽ có BHYT bổ sung, với hình thức tương tự như các BHYT tư nhân. Đây sẽ là hợp đồng tự nguyện giữa cơ quan bảo hiểm và cá nhân, cho phép khách hàng hưởng tương xứng với mức đóng.
Quỹ BHYT bổ sung sẽ độc lập và tự chủ hoàn toàn về tài chính với quỹ BHYT hiện hành.
Ngoài ra, dự thảo luật BHYT cũng đề xuất thành lập một cơ quan giám định BHYT độc lập, tách khỏi BHXH Việt Nam để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Dự kiến, luật BHYT sửa đổi sẽ có hiệu lực từ năm 2022.
Thủy Tiên(T/h)