+Aa-
    Zalo

    Sắp ra mắt Tòa cấp cao, Tòa gia đình và người chưa thành niên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ngoài 03 Tòa đóng ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM có 02 Tòa cấp cao tại Cần Thơ và khu vực miền núi phía Bắc.

    (ĐSPL) - Ngoài 03 Tòa đóng ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM có 02 Tòa cấp cao tại Cần Thơ và khu vực miền núi phía Bắc.
    Ngày 1/6/2015 Luật Tổ chức TAND năm 2014 có hiệu lực thi hành, thay thế Luật Tổ chức TAND năm 2002.
    Trước đó, ngày 14/5, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Tờ trình dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc thành lập 05 TAND cấp cao; ngoài 03 Tòa đóng ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM có 02 Tòa cấp cao tại Cần Thơ và khu vực miền núi phía Bắc.

    Chánh án TANDTC phát biểu tại phiên họp UBTVQH.

    Mở rộng tổ chức TAND
    Theo báo Pháp luật & Xã hội, Luật Tổ chức TAND năm 2014 mở rộng tổ chức TAND, có thêm TAND cấp cao; trong TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh thêm Tòa gia đình và người chưa thành niên; cơ cấu tổ chức của TAND cấp huyện có thể có Tòa gia đình và người chưa thành niên.
    Dù có sự thay đổi nhưng TAND TC vẫn là cơ quan xét xử cao nhất; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của Luật tố tụng; giám đốc việc xét xử của các tòa án khác, trừ trường hợp do luật định.
    Còn TAND cấp cao thì xét xử phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Luật tố tụng; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (trước đây thuộc nhiệm vụ của TAND TC); TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của Luật tố tụng.
    Cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao gồm: Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao (không dưới 11 người và không quá 13 người); Tòa hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên (điểm mới). Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TAND TC.
    Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng HĐXX gồm 3 thẩm phán hoặc toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao. Tòa chuyên trách TAND cấp cao phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định của TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
    Trước mắt có 3 TAND cấp cao đi vào hoạt động
    Theo báo Công Lý, trên cơ sở số liệu thống kê (năm 2012, 2013 và 2014) cho thấy, số lượng các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của 03 Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM là rất lớn; mỗi Tòa phúc thẩm TANDTC phải phụ trách địa bàn trải dài, khó khăn trong công tác xét xử, vì để bảo đảm thuận lợi cho người dân, Hội đồng xét xử phải đi đến các địa phương (xét xử phúc thẩm tại trụ sở các TAND cấp tỉnh) di chuyển trên địa bàn rộng, mất nhiều thời gian, không bảo đảm an toàn và có ảnh hưởng đến chất lượng xét xử...
    Xuất phát từ thực tiễn trên thi hành Luật Tổ chức TAND vừa được sửa đổi, để nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban cán sự Đảng TANDTC đề xuất thành lập 05 TAND cấp cao (thay thế 03 Tòa phúc thẩm TANDTC) khu vực Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM; khu vực phía Bắc (phạm vi các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc Bộ) và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (phạm vi của TP Cần Thơ và các tỉnh Tây Nam Bộ). Việc thành lập 05 TAND cấp cao này là cần thiết, tuy nhiên được xác định theo lộ trình từ nay đến năm 2020.
    Tại phiên họp, UBTVQH đồng ý phương án trên. Trước mắt quyết định thành lập 03 TAND cấp cao tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP.HCM trên cơ sở của 03 Tòa phúc thẩm TANDTC hiện nay, bảo đảm ổn định ngay về tổ chức, tiếp quản cơ sở vật chất hiện có của 03 Tòa phúc thẩm TANDTC, thực hiện đúng Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị; bảo đảm cho 03 TAND cấp cao này triển khai hoạt động được ngay kể từ ngày 01/6/2015 (ngày Luật Tổ chức TAND năm 2014 có hiệu lực thi hành).
    Theo đó, 03 TAND cấp cao gồm: TAND cấp cao tại Hà Nội, có thẩm quyền tư pháp trong phạm vi của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thuộc khu vực xét xử của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội trước đây) với tổng số biên chế là 192 người; TAND cấp cao tại Đà Nẵng có biên chế là 92 người; TAND cấp cao tại TP.HCM với biên chế là 216 người.
    Tại phiên họp UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã kết luận: Đồng ý ban hành Nghị quyết để quyết định thành lập 03 TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Đồng thời, đồng ý chủ trương giao cho TANDTC nghiên cứu chuẩn bị các điều kiện, đề án thành lập 02 TAND cấp cao còn lại (trong đó miền Tây Nam Bộ có TAND cấp cao đặt tại Cần Thơ; miền núi phía Bắc có TAND cấp cao đóng trụ sở tại TP Yên Bái). UBTVQH giao cho TANDTC khẩn trương làm đề án, khi nào đủ điều kiện tiến hành trình đề án để UBTVQH thông qua.
    Cũng tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị VKSNDTC có kế hoạch và phương án chuẩn bị thành lập VKSND cấp cao cho phù hợp với bộ máy tổ chức của Tòa án.
    Như vậy, với tinh thần trước mắt thành lập 03 TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, TANDTC đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và chắc chắn các TAND cấp cao này sẽ đi vào hoạt động theo thẩm quyền mới từ ngày 01/6/2015 tới.
    Sự cần thiết có Tòa gia đình và người chưa thành niên
    Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 2 cho thấy, tội phạm vị thành niên gia tăng, chiếm 15-18\%. Mỗi năm, có hơn 115.000 người bị bắt giữ, truy tố; trong đó có 16.000 đến18.000 trẻ vị thành niên... Và xu hướng phạm tội ngày càng trẻ hóa. Phó Vụ trưởng Vụ 1A, VKSND TC, Vũ Việt Hùng nói, người chưa thành niên phạm tội chủ yếu trong lĩnh vực xâm phạm sở hữu (trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản…), xâm phạm sức khỏe, tính mạng (giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm trẻ em), ma túy (tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy), gây rối trật tự công cộng, phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (cắt trộm dây điện thoại, dây điện, cáp viễn thông…).
    Có thể thấy, người chưa thành niên là những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất và tinh thần; khả năng tự lập, nhận thức và kiểm soát hành vi hạn chế và dễ bị tác động, kích động. Khi phạm tội, phần lớn các em có tâm lý nặng nề, mặc cảm, tự ti, bi quan, chán nản, nhiều lúc tuyệt vọng, có thái độ thờ ơ, bất cần, liều lĩnh. Đặc điểm tâm sinh lý này gây khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, cải tạo người chưa thành niên.
    Thực tế phản ánh, thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên đều không phải là những cán bộ chuyên trách để điều tra, truy tố với riêng loại đối tượng người chưa thành niên. Họ cũng chưa qua một khóa đào tạo nào về tâm sinh lý, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên hoặc có hiểu biết thì rất hạn chế. Bởi thế, xảy ra trường hợp, quá trình hỏi cung bị can, một số điều tra viên vẫn còn quát mắng gây cho các em tâm lý sợ hãi, căng thẳng dẫn đến khai không đúng; có cán bộ điều tra, kiểm sát không phân biệt sự khác nhau về thủ tục tố tụng giữa vụ án người chưa thành niên phạm tội và vụ án người đã thành niên thực hiện.
    Bộ luật Tố tụng hình sự dành một chương quy định thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người chưa thành niên phạm tội nhưng chưa toàn diện, đầy đủ. Không chỉ còn thiếu sót trong hệ thống các quy phạm pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật lại vướng mắc. Một điểm đáng lưu ý là thực trạng bảo vệ quyền riêng tư của người chưa thành niên, việc xét xử công khai ngay cả đối với những vụ án bị cáo và người bị hại đều là trẻ chưa thành niên… khiến tâm lý của các em ảnh hưởng, thêm mặc cảm, tự ti.
    KIM THÀNH(Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sap-ra-mat-toa-cap-cao-toa-gia-dinh-va-nguoi-chua-thanh-nien-a95115.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.