(ĐSPL) – Liên quan đến sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng khiến 12 nạn nhân mắc kẹt bên trong, nhiều Bộ trưởng đã có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tin tức trên VOV cho biết, cuối giờ chiều nay (17/12), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo ngành y tế tăng cường mọi nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, túc trực 24/24, phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ.
Bộ trưởng Y tế trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu chữa. (Ảnh VOV). |
Cũng trong chiều 17/12, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đã có mặt tại hiện trường để bàn giải pháp và chỉ đạo triển khai các phương án.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, đã đình chỉ thi công đối với công trình thủy điện này, đến khi nào cả 2 Bộ Công thương và Xây dựng đồng ý thì mới được cho thi công trở lại. Ngoài ra, Trung tâm cấp cứu mỏ của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam cũng đã có mặt tại hiện trường để hỗ trợ công tác cứu hộ.
Bộ trưởng Xây dựng và Bộ trưởng Công thương trực tiếp chỉ đạo phương án cứu hộ. (Ảnh: Dân trí). |
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, hiện nước bên trong hầm đã dâng lên đến hơn 1 m nên lực lượng chức năng phải tính đến 3 phương án triển khai từ 3 hướng, đó là 3 hướng ở hai đầu đường hầm và một hướng từ bên trên đỉnh đồi xuống. Riêng phương án khoan từ trên xuống sẽ áp dụng phương pháp khoan cột nhồi.
“Nhiệm vụ quan trọng nhất bây giờ là phải rút cho bằng được lượng nước từ bên trong đường hầm ra ngoài, song song với đó là khẩn trương tiến hành việc đào hầm, lắp ống sắt có đường kính lớn để các nạn nhân theo đó thoát ra ngoài”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác cứu hộ cứu nạn 12 nạn nhân bị mắc kẹt trong hầm Đạ Dâng, một doanh nghiệp tại Hà Nội đã đề nghị được tham gia công tác cứu hộ vì họ có thiết bị khoan chuyên dụng chỉ 2 tiếng là khoan thủng đến nơi 12 nạn nhân bị nạn.
Vị trí vụ tai nạn sập hầm thủy điện. (Ảnh Tuổi trẻ). |
Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Văn Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, chiều tối 17/12, giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội đã liên lạc với lãnh đạo tỉnh đề nghị được tham gia công tác cứu hộ.
“Họ nói họ có thiết bị có thể khoan ống đường kính 30cm thẳng từ trên đỉnh đồi xuống đường hầm, nếu chiều cao 70m thì chỉ khoan trong hai giờ nếu không gặp đá tảng. Tỉnh đã đồng ý để doanh nghiệp này đến để phối hợp cứu nạn”, ông Yên nói.
Video liên quan:
Xuất hiện 2 hố sụt lún lớn tại vị trí sập hầm thủy điện
Như tin tức đã đưa, vào khoảng 7 giờ sáng 16/12, tại công trình thi công đập thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra sự cố sập đường hầm dẫn nước khiến 12 người mắc kẹt.
Được biết, Công trình thuỷ điện Đạ Dâng – Đa Chomo có tổng công suất 22 MW, với tổng mức đầu tư hơn 475 tỷ đồng theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh). Đây là công trình thủy điện có hai nhà máy liên hoàn là: Nhà máy thuỷ điện Đạ Dâng đặt trên dòng sông Đạ Dâng, thuộc địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương và Nhà máy thuỷ điện Đa Chomo trên suối Đa Chomo, một nhánh của sông Đạ Dâng, thuộc địa bàn xã Phi Tô, Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.