(ĐSPL) - Trong vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh, số tiền bồi thường của Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho các nạn nhân có thể lên tới con số "khủng".
Liên quan đến vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh (thuộc khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) khiến 13 người thiệt mạng và 28 người bị thương, ngày 27/3, đại diện Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho biết, chưa đầy 24h kể từ khi xảy ra sự cố, PJICO đã cử đoàn công tác đặc biệt đến hiện trường vụ nạn thăm hỏi nạn nhân và xử lý khắc phục hậu quả.
Xem thêm video: Lãnh đạo Samsung C&T thừa nhận thiếu sót vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh:
Trao đổi trên báo Hà Nội mới, ông Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Bảo hiểm PJICO Hà Nội, đơn vị bảo hiểm cho các công nhân của nhà thầu cho biết trên Hà Nội Mới: “Ngay sau khi có tin về vụ tai nạn qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đã chủ động rà soát danh sách công nhân lao động có thi công tại công trường, phối hợp với nhà thầu và cơ quan chức năng tìm hướng xử lý kịp thời. Chúng tôi quyết định sẽ trao ngay số tiền tạm ứng bồi thường tới gia đình người bị nạn nhằm chia sẻ khó khăn và hy vọng bù đắp một phần mất mát với công nhân - người lao động không may bị thương vong”.
Theo hợp đồng ký kết với PJICO, mỗi công nhân lao động được bảo vệ về rủi ro tai nạn trong suốt 24/24h với hạn mức trách nhiệm 50 triệu đồng/người. Số tiền bồi thường ước tính của PJICO trong vụ tai nạn này có thể lên tới hàng tỷ đồng.
Liên quan đến vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh, trong cuộc họp báo ngày 27/3, Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cho biết, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu Samsung C&T. Còn các nhà thầu phụ sẽ chịu trách nhiệm liên đới.
Tuy nhiên, về nguyên nhân sâu xa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này trước hết Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh cũng chịu một phần trách nhiệm về công tác thanh tra kiểm tra, đôn đốc. Đặc biệt, đối với Công ty Nibele từ năm 2013, Sở đã cho thành lập đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra phát hiện đơn vị này đã có nhiều sai phạm trong việc sử dụng người lao động, trong đó sử dụng lao động làm việc quá thời gian quy định và đã xử phạt.
Hiện trường vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh.
Tại cuộc họp báo, đại diện Samsung C&T, ông Chin Hyeng Ha, Giám đốc Văn phòng dự án tại Việt Nam cũng nhận trách nhiệm về mình và cho biết, vụ sập giàn giáo là tai nạn ngoài ý muốn.
Ông Chin cũng nhận lỗi với gia đình các nạn nhân và cho biết sẽ nỗ lực hết sức để động viên, an ủi gia đình các nạn nhân.
Đại diện chủ đầu tư Formosa - ông Thái Chi cũng cho rằng, về việc này nhà đầu tư cũng chịu trách nhiệm một phần trong đó, nhưng trách nhiệm chính thuộc về phía Samsung C&T.
Đại diện Formosa đã phủ nhận việc kiểm định chất lượng thiết bị. Chỉ nghe Samsung nói là nhập về từ Thụy Điển. Vì đây là tổng thầu nên giao hết cho nhà thầu thực hiện.
Như tin đã đưa, vào khoảng 20h ngày 25/3/2015 tại hạng mục thi công Giếng chìm, Đê chắn sóng, công trình cảng biển Sơn Dương thuộc dự án Formosa, khu kinh tế Vũng Áng đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng do sập giàn giáo.
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, có khoảng hơn 100 công nhân đang thi công giàn giáo bằng sắt thép cao khoảng 30m thì bất ngờ bị sập đổ vùi lấp các công nhân trong đống đổ nát.
Vụ tai nạn xảy ra khi công nhân của nhà thầu đang lắp giàn giáo thi công đúc giếng chìm để làm đê chắn sóng cảng Sơn Dương. Khi các công nhân đang đẩy những cấu kiện đã đúc được ra ngoài, đẩy thép vào khuôn để tiếp tục đúc bê tông thì bị sập. Do khối bê tông rất lớn, nên đã kéo sập cả hệ thống giàn giáo.
Ngay sau khi vụ tai nạn sập giàn giáo ở Hà Tĩnh xảy ra, đã có hàng ngàn người tham gia nỗ lực tìm kiếm, giải cứu các nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát với nhiều phương tiện, máy móc hiện đại. Nỗ lực không ngừng của các lực lượng tham gia cứu hộ đã góp phần cứu thoát nhiều nạn nhân tưởng như không còn cơ hội sống sót.
MAI NGUYÊN
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sap-gian-giao-o-ha-tinh-tiet-lo-so-tien-boi-thuong-khung-a88945.html